|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vướng cáo buộc cấp heo giống nhiễm dịch ASF, Tập đoàn Mavin đang làm ăn ra sao tại Việt Nam?

07:10 | 20/11/2019
Chia sẻ
Tập đoàn Mavin hiện đang kinh doanh ở 4 lĩnh vực gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc - gia cầm, dược thú y và thực phẩm chế biến.

Theo thông tin đăng tải trên trang chủ của công ty, CTCP Tập đoàn Mavin tiền thân là Công ty Liên doanh Austfeed, một dự án liên doanh giữa Việt Nam và Australia, 

Với pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, CTCP Tập đoàn Mavin thành lập vào ngày 3/7/2012, do ông Đào Mạnh Lương làm Tổng Giám đốc.

Công ty có vốn điều lệ 650 tỉ đồng, trong đó cổ đông nước ngoài, ông David John Whitehead (Quốc tịch Australia), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Austfeed Việt Nam, nắm sở hữu 3,958% vốn điều lệ đăng kí; còn lại do các cá nhân Việt Nam nắm giữ.

mavin3

Cơ cấu cổ đông Tập đoàn Mavin. (TV tổng hợp).

Khởi đầu từ một nhà máy thức ăn chăn nuôi đặt tại tỉnh Hưng Yên, sau đó, Mavin đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như chăn nuôi heo giống, gà trứng giống, thuốc thú y và chế biến thực phẩm, cung cấp giải pháp tổng thể về chăn nuôi với chuỗi giá trị "Từ Nông trại tới Bàn ăn".

Qua đó, Mavin đã thành lập trung tâm giống heo công nghệ cao Hưng Việt, phát triển mảng chăn nuôi heo, gia công vào năm 2012. Thành lập Công ty Liên doanh thực phẩm Mavin và đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm tại Hà Nam chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt heo trong 2013.

nha_may_moi

Nhà máy chế biến thực phẩm của Mavin quy mô 10.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam.

Năm 2017, Mavin đầu tư và đưa vào hoạt động trung tâm giống heo công nghệ cao tại Nhơn Tân – Bình Định. Sau đó đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản lớn nhất miền Bắc tại Kim Động, Hưng Yên trong 2018.

Hiện tại, Mavin sở hữu hàng chục nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm và thuốc thú y, với 9 công ty thành viên và gần 20 chi nhánh kho từ phía bắc đến nam, hợp tác với hơn 400 nhà phân phối. Các sản phẩm của Tập đoàn đã đến tay hàng triệu người tiêu dùng trên khắp cả nước.

Năm 2019, Mavin đầu tư Trung tâm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu tại hồ thủy điện Hòa Bình với qui mô 100 ha, 10.000 tấn cá xuất khẩu/năm.

Công ty cũng kết hợp tác chiến lược với các đối tác cung cấp thiết bị chuồng trại chăn nuôi hàng đầu thế giới Big Dutchman, Fancom, Roxell.

Bên cạnh đó, một số dự án chăn nuôi trọng điểm sẽ được lên kế hoạch thực hiện trong năm này gồm: Dự án thủy sản xuất khẩu quy mô 400 ha tại Tuyên Quang; Dự án nuôi hải sản quy mô 2.000 ha tại Kiên Giang; Dự án chăn nuôi gia công quy mô lớn, sản xuất 1 triệu vịt thịt thương phẩm mỗi năm; 

Dự án trung tâm phát triển gà giống bản địa tại Hòa Bình; Dự án chăn nuôi heo và gà quy mô 100 ha tại Gia Lai, Tây Nguyên; Dự án trung tâm giống heo, gà, vịt quy mô 45 ha tại Đồng Tháp; Dự án Trung tâm giống heo công nghệ cao quy mô 100 ha tại Anh Sơn, Nghệ An.

Theo kế hoạch được lãnh đạo Công ty chia sẻ, năm 2020 Mavin mục tiêu đạt 10.000 tỉ đồng doanh thu toàn hệ thống, 500 tỉ đồng doanh thu từ mảng thực phẩm, 250 tỉ đồng doanh thu từ mảng thuốc thú y...

mavin2

Mục tiêu 2020 của Tập đoàn Mavin. (Nguồn: Mavin)

Lịch sử hình thành, phát triển của Mavin tại Việt Nam:

2004

Đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Khoái Châu, Hưng Yên

2008

Đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ hai tại Kim Động, Hưng Yên

2010

Đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ ba tại Bình Định

2012

Thành lập TT giống heo công nghệ cao Hưng Việt, phát triển mảng chăn nuôi heo gia công

2013

Thành lập Công ty Liên doanh thực phẩm Mavin và đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm tại Hà Nam chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt heo

Mua cổ phần chi phối Công ty CP Dược Thú y Cai Lậy – Mekovet

2016

Đầu tư và đưa vào hoạt động TT giống heo công nghệ cao tại Nhơn Tân – Bình Định

2017

Đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ tư tại Nghệ An

Tái cơ cấu và chuyển đổi sang mô hình hoạt động Tập đoàn

Đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản lớn nhất miền Bắc tại Kim Động, Hưng Yên.

2018

Thành lập Công ty TNHH Thủy sản Mavin (Mavin Aqua), chính thức khởi động các dự án chăn nuôi thủy sản nước ngọt.

Đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ năm tại Đồng Tháp.

Là Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công thịt heo ra nước ngoài.

Được công nhận là Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thành lập Công ty Cổ phần thuốc thú y Mavin (Mavin Animal Health)

2019

Đầu tư Trung tâm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu tại hồ thủy điện Hòa Bình với qui mô 100 ha, 10.000 tấn cá xuất khẩu/năm

Chính thức nhập giống vịt và gà từ Châu Âu và triển khai hoạt động chăn nuôi vịt, gà theo hình thức hợp tác bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Kí kết hợp tác chiến lược với các đối tác cung cấp thiết bị chuồng trại chăn nuôi hàng đầu thế giới Big Dutchman, Fancom, Roxell.

Hôm 18/11, Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin chủ một trang trại chăn nuôi tại Phú Thọ đã mua qua đại lý, trung gian 400 heo con của Tập đoàn Mavin nhưng đến nay heo đã chết hết, đem xét nghiệm máu và nội tạng kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Theo phán ánh và đơn cầu cứu tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Hà Quang Đạo cho biết, chiều ngày 6/11 anh mua 400 lợn tại trang trại của Mavin tại thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với giá 1,6 triệu đồng/con 7kg, phần vượt trên 7kg được phía công ty tính giá 65.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ngay sáng 7/11, đàn lợn đã chết rải rác gần chục con; đến ngày 8/11, chết trên 30 con và đến nay đã chết toàn bộ. Nghi ngờ lợn bị nhiễm dịch tả heo châu Phi, ngày 8/11 anh Đạo lấy mẫu máu và nội tạng gửi Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét nghiệm.

Đến ngày 9/11, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y của Học viện trả kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Phản hồi thông tin về việc cung cấp heo giống nhiễm dịch gây chết cao ở heo, tại buổi họp giữa các doanh nghiệp chăn nuôi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiều ngày 18/11, ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, công ty đã cho kiểm tra và xác minh dịch xảy ra từ đâu.

"Nếu đúng heo của Mavin bị nhiễm dịch chúng tôi sẽ chủ động cho tiêu hủy", ông Lương khẳng định. Ngay sau khi có thông tin phản ánh heo của Mavin nhiễm dịch tả heo châu Phi, công ty đã tạm ngừng cung ứng, ông nói thêm.

Theo ông Lương, mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường 10.000 - 15.000 con heo giống thương phẩm.

Ly Tâm