|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi?

16:34 | 18/11/2019
Chia sẻ
Anh Hà Quang Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cho biết, có mua qua đại lý, trung gian 400 heo con của Tập đoàn Mavin nhưng đến nay lợn đã chết hết, đem xét nghiệm máu và nội tạng kết quả dương tính với dịch tả heo Châu Phi.
Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 1.

Số lợn con nghi ngờ nhiễm dịch tả heo Châu Phi chết chất thành đống. Anh Hà Quang Đạo cho biết đã mua lợn ở trang trại của Mavin tại Tuyên Quang.

Phán ánh và gửi đơn cầu cứu tới Báo NNVN, anh Hà Quang Đạo cho biết, chiều ngày 6/11 anh mua 400 lợn tại trang trại của Mavin tại thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với giá 1,6 triệu đồng/con 7kg, phần vượt trên 7kg được phía công ty tính giá 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay sáng 7/11, đàn lợn đã chết rải rác gần chục con; đến ngày 8/11, chết trên 30 con và đến nay đã chết toàn bộ.

Nghi ngờ lợn bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi, ngày 8/11 anh Đạo lấy mẫu máu và nội tạng gửi Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét nghiệm. Đến ngày 9/11, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y của Học viện trả kết quả dương tính với dịch tả heo Châu Phi.

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 2.

Ngày 8/11, anh Đạo mổ lấy mẫu bệnh phẩm lợn mua tại trang trại của Mavin gửi Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét nghiệm.

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 3.

Ngày 9/11, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trả kết quả xét nghiệm với kết luận dương tính với dịch tả heo Châu Phi.

Ngay sau đó, anh Đạo cho biết có liên lạc với phía người môi giới được cho là đại lý của Mavin là nhóm anh Hưng, Vũ tại Vĩnh Phúc để thông báo sự việc thì được cho số điện thoại để liên hệ với người phụ nữ tên Giang, theo giới thiệu của nhóm anh Hưng, Vũ là phụ trách bán hàng của Mavin.

Sau đó, nhóm anh Hưng, Vũ có cho người lên kiểm tra chuồng trại nhà anh Đạo và lấy lí do lợn quá yếu rồi ép anh bán lại 49 con lợn với giá 800.000 - 900.000 đồng/con bảo là mang về để chữa?

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 4.

Ngay sau khi chở lợn từ trang trại của Mavin tại Tuyên Quang về chiều ngày 6/11, đến sáng hôm sau 7/11 đàn lợn con của anh Đạo đã bị chết hơn chục con.

Anh Đạo cho biết thêm, ban đầu anh gọi điện, người phụ nữ tên Giang được nhóm anh Hưng, Vũ giới thiệu phụ trách bán hàng của Mavin thoái thác trách nhiệm với lý do không bán hàng trực tiếp với anh Đạo. Tuy nhiên, khi anh Đạo cho biết sẽ báo cơ quan chức năng, sau đó có người gọi lại anh Đạo hỏi xem quan điểm và yêu cầu hỗ trợ như nào để báo cáo ban lãnh đạo công ty?

Tuy nhiên, đợi nhiều ngày không thấy hồi âm, gọi lại tất cả các số điện thoại của nhóm anh Hưng, Vũ và phía Mavin đều không có ai nghe máy nên anh Đạo phải viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng và báo chí.

Gửi kèm đơn cầu cứu tới NNVN, anh Hà Quang Đạo đưa ra bằng chứng chứng minh mình có mua 400 lợn giống tại trang trại của Mavin với người đại điện ký giấy kiểm dịch là ông Trần Văn Dương, đại diện trang trại của Mavin ở thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang.

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 5.

Giấy chứng nhận kiểm dịch 400 con lợn tại trang trại của Mavin với đại diện là ông Trần Văn Dương do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cấp cho anh Hà Quang Đạo ngày 6/11.

Theo đó, thông qua quen biết, anh Đạo có liên hệ một người tên Hưng tại Vĩnh Phúc, được giới thiệu là người bán hàng của anh Vũ, đại lý Mavin tại Vĩnh Phúc đặt mua 400 con lợn giống về nuôi. Ngày 6/11, anh Hưng trực tiếp dẫn anh Đạo tới trang trại ở thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang làm việc với ông Trần Văn Dương để bắt 400 con lợn trọng lượng trung trình 7 - 7,8kg/con mà theo giới thiệu là trại của Tập đoàn Mavin.

Kèm theo 400 con lợn anh Đạo được phía ông Trần Văn Dương và cán bộ thú y địa phương gửi 1 phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 20878/CĐ-XN do Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương trả ngày 5/11 với nội dung 30 mẫu gộp thành 6 mẫu, nơi gửi mẫu: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang, Công ty Cổ phần Mavin AusFeed; nơi lấy mẫu: thôn Cây Cọ, xã Nam Sơn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Kết quả: 6/6 mẫu âm tính với dịch tả lợn Châu Phi.

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 6.

Tờ phô tô kết quả xét nghiệm dịch tả heo Châu Phi và lở mồm long móng phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang gửi cho anh Đạo khi viết giấy thú y vận chuyển ngoài tỉnh 400 con lợn từ trại của Mavin.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cũng gửi kèm 1 bảng kê mã số đánh dấu gia súc ngày 6/11 thể hiện số lượng 400 con lợn; biên bản niêm phong, mở niêm phong phương tiện vận chuyển chứa đựng động vật, sản phẩm động vật do kiểm dịch viên Nguyễn Trung Sơn lập tại trang trại với đại diện là ông Trần Văn Dương lúc 15 giờ 45 phút ngày 6/11; Biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y của động vật, sản phẩm động vật do ông Nguyễn Trung Sơn, kiểm dịch viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cấp ngày 6/11; Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh đại diện là ông Trần Văn Dương cũng do ông Nguyễn Trung Sơn ký ngày 6/11.

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 7.

Đến nay toàn bộ 351 con lợn con anh Hà Quang Đạo mua tại trang trại của Mavin tại thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang đã chết, thiệt hại gần 600 triệu đồng.

Theo số điện thoại của anh Hà Văn Đạo cung cấp chúng tôi có liên lạc với anh Vũ tại Vĩnh Phúc thì anh cho biết không bán lợn cho ai tên là Đạo ở Phú Thọ. Tuy nhiên khi liên lạc với người đàn ông tên Hưng thì anh này thừa nhận mình đúng là người đã kết nối anh Vũ ở Vĩnh Phúc bán lợn cho anh Đạo ở Phú Thọ. Anh Hưng cũng khẳng định đích thân dẫn anh Đạo tới trang trại lợn của Mavin tại thôn Cây Cọ, Sơn Dương, Tuyên Quang để bắt lợn ngày 6/11.

Liên lạc với người phụ nữ tên Giang, được cho là cán bộ phụ trách bán hàng của Mavin thì chị này khẳng định không bán lợn cho ai tên là Đạo ở Phú Thọ? Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi Mavin có trại nào ở thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương hay không thì chị Giang không trả lời mà chỉ trả lời chung chung công ty có trại ở Tuyên Quang, không có cán bộ nào tên Trần Văn Dương sau đó cúp máy?

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với lãnh đạo Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang thì cả Chi cục trưởng Nguyễn Văn Công và Phó Chi cục trưởng Nguyễn Đăng Khoa đều khẳng định trang trại tại thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang là của Mavin với số lượng 1.800 nái và ông Trần Văn Dương chính là cán bộ kỹ thuật của Mavin.

Phía Chi cục Chăn nuôi và Thu y Tuyên Quang cũng xác nhận chính đơn vị làm thủ tục về thú y, kiểm dịch, cấp giấy kiểm dịch liên tỉnh cho anh Hà Quang Đạo mua lợn tại trang trại thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang ngày 6/11/2019.

Dân cầu cứu vì mua phải 400 heo con của Mavin nhiễm dịch tả heo Châu Phi? - Ảnh 8.

Theo khuyến nghị của OIE thì sau khoảng 7 - 15 ngày từ khi nhiễm bệnh, dịch tả heo Châu Phi mới phát tác và biểu hiện trên lợn, trong khi đó lợn anh Đạo mua ngày 6/11 thì sang ngày 8/11 lợn đã chết vì dịch tả heo Châu Phi.

Theo khuyến nghị của OIE và FAO và các chuyên gia về dịch tễ, dịch tả heo Châu Phi có thời gian ủ bệnh 7 - 15 ngày, tức từ lúc nhiễm bệnh đến lúc phát bệnh ra bên ngoài thời gian thường 7 - 15 ngày, chính vì vậy giấy xét nghiệm dịch tả heo Châu Phi hiện nay được Bộ NN-PTNT quy định có hiệu lực trong thời hạn tối đa 10 ngày.

Trong khi đó, ngày 6/11 anh Hà Quang Đạo bắt lợn tại thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang được cho là của Mavin, nhưng ngay ngày hôm sau 7/11 lợn đã bị chết, ngày 8/11 gửi mẫu xét nghiệm, ngày 9/11 cho kết quả dương tính với dịch tả heo Châu Phi thì có khả năng lô lợn 400 con trên đã ủ sẵn bệnh dịch trước đó là rất cao.

Nguyên Huân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.