|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Vua trái phiếu' Jeffrey Gundlach: Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2024, thị trường chứng khoán nhấp nháy tín hiệu đáng ngại

11:00 | 10/01/2024
Chia sẻ
Theo nhà đầu tư kỳ cựu Jeffrey Gundlach, một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ đổ bộ vào Mỹ ngay trong năm nay và khiến đồng USD gặp rắc rối lớn.

Tỷ phú Jeffrey Gundlach được các nhà đầu tư gọi là "vua trái phiếu". (Ảnh: CNBC). 

Dấu hiệu từ thị trường trái phiếu

Ông Jeffrey Gundlach, CEO hãng đầu tư DoubleLine Capital, nói có khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nghiêm trọng trong năm nay. Ông còn lưu ý rằng chỉ số S&P 500 có thể đang báo hiệu về một đợt sụt giảm, có thể là do thị trường dự kiến kịch bản suy thoái sẽ xảy ra.

Ông Gundlach là nhà đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực chứng khoán trả thu nhập cố định, được mệnh danh là “vua trái phiếu”. Tính tới tháng 6 năm ngoái, công ty của ông có quy mô 96 tỷ USD. Ông đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái từ đầu năm trước.

Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư DoubleLine Capital hôm 9/1, ông Gundlach tuyên bố thị trường trái phiếu đang phát đi tín hiệu suy thoái mạnh mẽ hơn trước. Ông đề cập đến sự đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ (yield-curve inversion) và thực tế là đường cong này đang trong quá trình đảo chiều đi lên.

 

Đường cong lợi suất đảo ngược được coi là chỉ báo đáng tin cậy, cho thấy suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Trong khi đó, các dấu hiệu cho thấy đường cong vừa đảo ngược giờ lại đang đảo chiều lần nữa có thể cảnh báo suy thoái rất gần kề.

Nói một cách dễ hiểu, đường cong lợi suất trái phiếu thường dốc lên khi nền kinh tế hoạt động bình thường. Khi đường cong dốc xuống (đảo ngược) thì nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Khi đường cong đảo chiều đi lên sau khi vừa dốc xuống thì suy thoái có thể đang rất gần.

Ông Gundlach đánh giá: “Việc đường cong lợi suất đảo chiều đi lên là tín hiệu cảnh báo nguy cơ suy thoái cực kỳ cao. Và tôi nghĩ đồng USD sẽ gặp rắc rối lớn trong cuộc suy thoái tiếp theo. USD sẽ là nạn nhân của những chính sách mà các quan chức áp dụng để đối phó với cuộc suy thoái rất đau đớn đó”.

"Vua trái phiếu" nói thêm rằng đường cong lợi suất đã bị đảo ngược trong 79 tuần, gần với kỷ lục 89 tuần được thiết lập dưới thời chính quyền Tổng thống Jimmy Carter năm 1979. Sau đó, nước Mỹ rơi vào cuộc suy thoái từ tháng 7/1981 đến 11/1982, nguyên nhân bắt nguồn từ chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát tăng cao.

Ngoài đường cong lợi suất, ông Gundlach cho biết các chỉ báo sớm cũng đã phát đi tín hiệu suy thoái trong khoảng thời gian dài, đặc biệt là chỉ báo trong ngành sản xuất.

Mô hình hai đỉnh? 

Ông Gundlach chỉ ra rằng chỉ số S&P 500 gần như đã quay trở lại mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 1/2022, hình thành “mô hình hai đỉnh”. Ông nói: “Sau gần hai năm, thị trường đã quay trở lại vị trí giống hệt lúc trước. Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm khá tồi tệ để sở hữu cổ phiếu”.

Mô hình hai đỉnh là mô hình kỹ thuật mang tính tiêu cực, được hình thành khi đường giá của tài sản tạo hai đỉnh liền kề với mức giá gần giống nhau, phần đáy trung tâm được tạo ra bởi một đợt giảm không quá mạnh. Mô hình hai đỉnh báo hiệu đường giá sẽ đảo chiều giảm sau một chu kì tăng.

 

Vào cuối năm 2023, sau khi tăng hơn 24%, chỉ số S&P 500 chỉ cách đỉnh mọi thời đại (4.796,56 điểm xác lập vào tháng 1/2022) chưa đến 1%. Ông Gundlach tiết lộ mình ưu chuộng cổ phiếu nước ngoài nhiều hơn cổ phiếu Mỹ trong suốt vài năm qua. Sự suy yếu của đồng USD sẽ khiến chiến lược này càng hấp dẫn.

Ông nói tiếp: “Mỹ không còn thực sự nắm vị trí số một trong nền kinh tế thế giới nữa, có thể là do những sai lầm chúng ta mắc phải trong việc quản lý, tình hình tài khóa và các chính sách điên rồ được áp dụng trong những năm gần đây”.

Ông cho rằng đồng bạc xanh đang mất đi động lực và chỉ số S&P 500 sẽ giảm mạnh hơn các chỉ số chứng khoán quốc tế trong cuộc suy thoái tiếp theo.

Giang