|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quốc hội Mỹ có hai tuần để giải quyết ba vấn đề lớn, nếu không chính phủ sẽ phải đóng cửa

08:12 | 08/01/2024
Chia sẻ
Các nhà lập pháp Mỹ đang gấp rút đàm phán để đạt được thoả thuận về chi tiêu ngân sách, biên giới và trợ cấp cho Ukraine. Thời gian cho các cuộc đàm phán không còn nhiều.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trò chuyện cùng nhau vào tháng 12/2023. (Ảnh: Zuma Press).

Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà chỉ có hai tuần để soạn thảo một gói chi tiêu mới nhằm ngăn chính phủ đóng cửa một phần cũng như để giải quyết vấn đề biên giới và phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine.

Hiện tại, các nhà lập pháp đang bị chia rẽ sâu sắc và phải đối mặt với nhiều thách thức. Nếu họ thất bại, tác động không chỉ giới hạn ở Mỹ mà còn lan sang những đồng minh của Washington.

Chia sẻ với Wall Street Journal, bà Shalanda Young, quan chức cấp cao của Nhà Trắng về vấn đề ngân sách, cho biết bà không bi quan nhưng “cũng không thể nói mình lạc quan” rằng Quốc hội sẽ đạt được thoả thuận chi tiêu kịp thời.  

Về vấn đề Ukraine, bà Young nhấn mạnh: “Các nhà lập pháp phải đạt được một thoả thuận. Tình hình rất cấp bách”.

Năm ngoái, Quốc hội đã trải qua liên tiếp nhiều cuộc khủng hoảng, từ tranh cãi xoay quanh trần nợ và ngân sách chính phủ cho đến việc 8 đảng viên Cộng hoà lật đổ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Cuộc chiến nhằm cắt giảm chi tiêu để kiềm chế thâm hụt ngân sách liên bang đã khiến các nhà lập pháp tại Hạ viện không thể thông qua gói chi tiêu hàng năm vào mùa thu năm ngoái.

Giờ đây, họ phải xử lý tất cả vấn đề bị trì hoãn trước đó là biên giới, viện trợ cho nước ngoài và ngân sách liên bang. Chính phủ có nguy cơ phải đóng cửa một phần vào ngày 19/1, khi nguồn ngân sách cho một số cơ quan liên bang cạn kiệt. Đến ngày 2/2, ngân sách cho các cơ quan còn lại cũng sẽ không còn.

Một khi chính phủ tạm ngừng hoạt động, nhân viên liên bang và quân đội sẽ không được trả lương. Các chức năng không thiết yếu của chính phủ cũng sẽ bị đình trệ.

Hôm 5/1, các nhà lãnh đạo Quốc hội vừa đạt được một tiến bộ mới dù có phần muộn màng. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã nhất trí giới hạn chi tiêu ngân sách liên bang trong năm tài khoá 2024 ở mức 1.590 tỷ USD.

Đây là một bước tiến quan trọng cần thiết để Quốc hội soạn thảo các dự luật chi tiêu. Song, chặng đường phía trước vẫn còn mờ mịt và gập ghềnh, Wall Street Journal nhận xét.

Margaret Spellings, Chủ tịch Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (một viện chính sách ở thủ đô Washington), cho hay: “[Bế tắc ở Quốc hội] chắc chắn rất nghiêm trọng và nếu các nhà lập pháp không hoàn thành công việc kịp thời, sự việc sẽ làm xói món niềm tin của công chúng vào chính phủ”.

Trong những ngày gần đây, các nhà đàm phán tại Thượng viện đang tiếp tục họp về chính sách an ninh biên giới và nhập cư mới.

Đảng Cộng hoà yêu cầu siết chặt quy định, coi đây như một điều kiện để ủng hộ gói hỗ trợ an ninh trị giá 110,5 tỷ USD mà Đảng Dân chủ dự kiến cấp cho Ukraine, Israel và đảo Đài Loan.

Hồi cuối năm ngoái, Nhà Trắng muốn Quốc hội đạt một thoả thuận để phê duyệt nguồn viện trợ mới cho Ukraine. Trong vài tuần qua, Lầu Năm Góc đã cạn tiền để gửi thêm đạn dược cho Kiev.

Song, các cuộc đàm phán vẫn kéo dài do tính chất phức tạp của luật biên giới. Giữa lúc đó, số lượng người đi qua biên giới của Mỹ đã tăng mạnh. Riêng trong tháng 12, Mỹ đã bắt giữ số người vượt biên cao kỷ lục là khoảng 250.000 người.

Bế tắc tại Quốc hội diễn ra khi kỳ bầu cử năm 2024 đang đến gần. Các cuộc tranh cử tổng thống sẽ bắt đầu tại Iowa và New Hampshire vào cuối tháng 1 và một số đảng viên Cộng hoà nói họ không muốn từ bỏ bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến chính sách biên giới.

Một yếu tố khó đoán là liệu Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson có tham gia vào các cuộc đàm phán về biên giới hay không. Trong cuộc trao đổi cùng các nhà lập pháp mới hồi tuần trước, ông Johnson cho biết mình đang cân nhắc về việc đàm phán trực tiếp với Nhà Trắng.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.