Vụ xử ông Phạm Công Danh: 1 ngân hàng có 2 mức vốn điều lệ?
Bị cáo Phạm Công Danh - Ảnh: Huyền Trâm. |
Phiên xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã đến phần tranh tụng.
Luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng VNCB (sau này là CB), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. Theo đó, luật sư nêu quan điểm xoay quanh “số phận” khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Luật sư đề cập, ở Văn bản số 15, ngày 20/6/2018 của VKSND Tối Cao gửi TAND TP.HCM nêu “ngày 26/12/2013, Phòng Kế toán Tài chính căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 27 đã hạch toán tăng tài khoản vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Ngày 4/6/2014, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Long An thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 27 và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 28 điều chỉnh số vốn điều lệ của VNCB là 3.000 tỷ đồng. Việc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Long An thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 27 diễn ra trước thời điểm khởi tố vụ án hình sự và khởi tố các bị can nhưng Ban điều hành cũ không điều chỉnh hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng nêu trên. Hiện nay khoản tiền 4.500 tỷ đồng chưa hạch toán điều chỉnh”.
Luật sư cho rằng, nội dung nêu trên tại Văn bản số 15 cho thấy hai thông tin cơ bản. Một là vốn điều lệ ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Ngân hàng Xây dựng – CB (trước đó là VNCB) là 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ ghi nhận hạch toán kế toán tại ngân hàng lại là 7.500 tỷ đồng. Bởi kể từ tháng 12/2013, khi khoản tiền 4.500 tỷ đồng được VNCB hạch toán kế toán cộng thêm vào mục vốn điều lệ, thì vốn điều lệ VNCB được hạch toán thành 7.500 tỷ đồng.
Văn bản số 15 cũng đề cập ngày 5/3/2015, Ngân hàng VNCB chuyển đổi thành Ngân hàng CB. Sau khi tiếp quản, CB có báo cáo xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn việc hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng nhưng đến nay NHNN chưa có hướng dẫn cụ thể nên CB chưa xử lý điều chỉnh hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng.
“Thực tiễn trên cho thấy, có một vốn điều lệ khác được hạch toán kế toán trong hệ thống ngân hàng này là 7.500 tỷ đồng, chưa được điều chỉnh lại thành 3.000 tỷ đồng. Như vậy, có sự mâu thuẫn khác biệt trong thông tin mức vốn điều lệ ghi nhận giữa giấy tờ pháp lý và giấy tờ hạch toán kế toán của ngân hàng”, luật sư Hải nêu.
Luật sư cho rằng, không thể tồn tại hai mức vốn điều lệ trong cùng một ngân hàng nhưng tại CB điều phi lý đó đang tồn tại. Và ở phiên 26/7 vừa qua, đại diện NHNN cũng đã khẳng định không có quy định pháp luật nào cho phép một ngân hàng thương mại được tồn tại sự ghi nhận hai mức vốn điều lệ khác nhau.
NHNN, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Long An đã từ chối cho VNCB tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng nên về mặt pháp lý vốn điều lệ của ngân hàng này chỉ là 3.000 tỷ đồng. Do đó, luật sư cho rằng việc CB cho đến nay vẫn chưa điều chỉnh việc hạch toán kế toán vốn điều lệ với số tiền 7.500 tỷ đồng là hoàn toàn trái pháp luật.
“Đây không chỉ là một điều phi lý mà còn là điều phi pháp. Đối với một ngân hàng, mức vốn điều lệ là một vấn đề rất quan trọng cần xác định và hạch toán đúng pháp luật trong kinh doanh, bởi không chỉ để xác định giới hạn trách nhiệm tài chính của ngân hàng, mà còn xác định các chỉ tiêu kinh doanh, chỉ tiêu tăng trưởng mạng lưới, quản trị rủi ro…”, luật sư Hải nêu trong phần tranh luận.
Theo luật sư Hải, cách duy nhất để chấm dứt sự hạch toán kế toán vốn điều lệ sai pháp luật của Ngân hàng Xây dựng là việc phải loại trừ ngay khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn không thành ra khỏi con số vốn điều lệ 7.500 tỷ đồng.
Vậy khoản tiền 4.500 tỷ đồng do các cổ đông nhóm ông Phạm Công Danh nộp tiền tăng vốn bất thành là khoản tiền gì? Hạch toán ra sao để thể hiện đúng bản chất? Luật sư Hải cho rằng việc hạch toán khoản tiền này phải căn cứ vào Nghị định số 93 ngày 7/8/2017 của Chính phủ. Ở điều 4 nghị định này có quy định nguồn vốn hoạt động (tổng tài sản) của ngân hàng được hình thành dựa trên vốn chủ sở hữu, vốn huy động và vốn khác. Trong đó, loại trừ vốn chủ sở hữu, thì vốn huy động và vốn khác chính là nợ phải trả của ngân hàng.
Khoản tiền 4.500 tỷ đồng sau khi không tăng được vốn điều lệ, thì CB không có quyền hạch toán vào bất kỳ thành phần nào nằm trong vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Do vậy, khoản tiền này buộc phải nằm trong nợ phải trả của CB. CB có trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền này cho những người nộp tiền nhưng không mua được cổ phần vì ngân hàng không thể tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng.
“Trên cơ sở hạch toán lại đúng pháp luật, chuyển số tiền 4.500 tỷ đồng từ mức vốn điều lệ đang hạch toán phi pháp 7.500 tỷ đồng sang các khoản mục nợ phải trả cho nhóm cổ đông Phạm Công Danh. Cũng từ đó, số tiền thiệt hại của Ngân hàng Xây dựng trong tổng thể vụ án này cần xác định lại trên cơ sở loại trừ 4.500 tỷ đồng của nhóm cổ đông Phạm Công Danh hiện vẫn nằm tại chính Ngân hàng Xây dựng”, luật sư Hải cho biết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/