|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vụ Trấn Thành nhận tiền ủng hộ từ fan rồi chuyển cho người khác 'đi từ thiện hộ' dưới góc phân tích của nguyên Hiệu phó ĐH Bách Khoa TP HCM

07:09 | 04/09/2021
Chia sẻ
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP HCM đã có những phân tích về việc đi làm từ thiện của các nghệ sĩ.

Gần đây, câu chuyện làm từ thiện của các nghệ sĩ được dư luận nhắc tới với tần suất lớn. Đặc biệt, nhiều tên tuổi nổi tiếng được đưa ra bàn luận và gây nên nhiều tranh cãi trái chiều, trong số đó có MC Trấn Thành với câu chuyện nhận tiền ủng hộ từ fan hâm mộ rồi chuyển cho một người khác để làm "từ thiện hộ". 

Nhân vụ việc này, Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên Hiệu phó trường Đại học Bách Khoa TP HCM đã có những phân tích chi tiết về câu chuyện "Nhận tiền fan làm từ thiện, rồi chuyển cho người khác".

Vụ MC Trấn Thành đi 'từ thiện hộ' từ góc phân tích của nguyên Hiệu phó trường Đại học Bách Khoa TP HCM - Ảnh 1.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng chia sẻ góc nhìn về cách MC Trấn Thành làm "từ thiện hộ". (Ảnh chụp màn hình).

Phân tích vấn đề "Có nên nhận tiền ủng hộ rồi chuyển cho người khác làm hay không?", Tiến sĩ Vũ Thế Dũng đưa ra 5 trường hợp, trong đó đáng chú ý là trường hợp đưa người khác làm "từ thiện hộ".

Ông Dũng nêu trường hợp nghệ sĩ nhận tiền của fan rồi đi cứu trợ, đến đúng địa điểm, tìm đúng người cần hỗ trợ và minh bạch tài chính sau đó. Với trường hợp này, ông Dũng nhận định đây là "một trường hợp mơ ước, là thần tượng của tất cả".

Thứ hai, nghệ sĩ nhận tiền của fan rồi đi cứu trợ, đúng địa điểm nhưng lại "ngâm" đến 6 tháng sau mới đi và cuối cùng lại không minh bạch, na ná với trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh. "Chúng ta nói không với trường hợp này, rõ ràng không ai bắt buộc phải thông báo đi ngày nào nhưng đây là một thỏa thuận ngầm ám chỉ anh phải đi liền", ông Dũng nhận xét.

Thứ ba, nhận tiền đi cứu trợ lũ lụt miền Trung nhưng lại từ thiện ở miền Bắc, trường hợp này minh bạch tài chính nhưng không đúng địa điểm thì cũng không nên. "Mặc dù không phải là cam kết bằng giấy, người hâm mộ gửi tiền có đòi hỏi nghệ sĩ phải cam kết đâu nhưng có một sự ngầm hiểu ở đây rằng anh phải đi đúng nơi, đúng thời điểm và anh chính là người thực hiện chuyện này một cách minh bạch", tiến sĩ Vũ Thế Dũng nêu quan điểm

Ông Dũng nêu trường hợp nghệ sĩ nhận tiền ủng hộ của fan hâm mộ nhưng lại gửi cho người khác làm thay công việc từ thiện. Vị Tiến sĩ đặt ra vấn đề như sau: "Ví dụ tôi được bầu vào HĐND phường nhưng tôi không đi họp được nên nhờ bạn đi làm thay, ủy quyền ra các quyết định. Người bầu cho tôi ủy quyền cho tôi nhưng tôi lại ủy quyền cho người khác? Điều này có nên hay không?"

Bổ sung trường hợp trên, ông Dũng đặt vấn đề về việc người được nghệ sĩ ủy quyền làm từ thiện lại tiếp tục giao cho bên khác thực hiện thì sẽ như thế nào?

"Nếu bạn không trách người đầu tiên gửi cho người số hai làm, liệu người đầu tiên có trách người thứ hai gửi tiền cho người thứ ba không? Giả sử, người thứ ba không minh bạch tiền từ thiện, làm mất tiền thì bạn có trách người số một hay không? Trường hợp này fan hâm mộ đến mấy cũng phải lung lay thôi", Tiến sĩ Vũ Thế Dũng thị phạm vấn đề. 

"Giả sử bạn cho rằng đây là lỗi của người thứ hai, thứ ba nhưng bạn có nghĩ danh tiếng của người thứ nhất (nghệ sĩ) có bị ảnh hưởng không?", ông Dũng đặt câu hỏi để mọi người tranh luận.

Vụ MC Trấn Thành đi 'từ thiện hộ' từ góc phân tích của nguyên Hiệu phó trường Đại học Bách Khoa TP HCM - Ảnh 2.

MC Trấn Thành đang vướng phải lùm xùm liên quan đến vấn đề từ thiện trước đây. (Ảnh: FBNV).

"Tôi không kết luận chính xác rằng người nghệ sĩ này làm đúng hay sai vì chuyện phân tích đúng sai trong trường hợp này rất là khó khăn. Tuy nhiên, việc làm từ thiện với một cái tâm tốt thì hành động cũng phải cẩn thận vì sai một li đi một dặm", ông Dũng nêu quan điểm.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng nhận xét giữa công chúng và nghệ sĩ trong công tác quyên góp từ thiện vẫn tồn tại cam kết ẩn, dù không nói ra. Cam kết đó bao gồm nhiều thứ, ví dụ như số tiền ủy thác, địa điểm thực hiện, mục tiêu, thời gian thực hiện, phương tiện thực hiện, kết quả dự kiến đạt được và ai là người thực hiện.

"Ví dụ, tôi đưa anh một triệu phải từ thiện đúng một triệu, không thực hiện 800 nghìn được. Anh nói là đến miền Trung là phải đến miền Trung. Mục tiêu đưa tiền mặt hay gửi gạo thì phải đúng mục tiêu. Anh thực hiện hay người khác thực hiện thì phải làm đúng cam kết, trong thời gian nào, phương pháp nào và kết quả dự kiến là gì", ông Dũng nêu ví dụ.

Theo ông Dũng, dù không nói ra nhưng nghệ sĩ nên thực hiện đúng các cam kết này. Chính vì không thực hiện được nên mới xảy ra nhiều nghi vấn, lùm xùm sau đó. Vị Tiến sĩ nhận định cộng đồng cũng có lỗi khi quá tin nghệ sĩ, không đề cao những tiêu chuẩn để nhờ ủy thác. Nghệ sĩ thì quá dễ dãi khi không đưa ra kế hoạch, cam kết cụ thể.

"Nếu ở quy mô vài trăm triệu, những lỗi này sửa rất dễ nhưng khi đã lên đến vài chục tỷ, trăm tỷ thì dễ tạo lùm xùm, rắc rối, gây nhiều hệ lụy không ai tưởng tượng ra được", ông Dũng nói thêm về sự dễ dãi trong cách thức hành xử của công chúng với việc nghệ sĩ làm từ thiện. 

"Tâm tốt không chỉ thể hiện ở lời nói mà ở hành động và kết quả. Nghệ sĩ hãy thận trọng, tránh của người phúc ta", ông Dũng đưa ra lời khuyên.

Thùy Trang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.