Vũ Hán hết phong tỏa nhưng 'bình thường' vẫn còn xa
Dù đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhiều cửa tiệm, hàng quán vẫn đóng cửa hoặc chỉ phục vụ đồ ăn mang đi, và nhiều người ra ngoài vẫn mặc đồ bảo hộ và tránh tiếp xúc với nhau.
Không khí ở thực địa khác hẳn so với những lời tuyên bố.
Tại cuộc họp báo ngày 8/4, Lou Ping, quan chức phòng dịch của Vũ Hán nói một số ngành của thành phố này đã hồi phục 100%. Đến ngày 15/4, họ hứa hẹn “thắng lợi kép”: vừa chặn được dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chính truyền thông địa phương cũng đang cho rằng kế hoạch đưa thành phố hồi phục 100% đến cuối tháng 4 là “quá lạc quan”, theo CNN.
Các chủ kinh doanh nói với CNN rằng họ đang vật lộn với lợi nhuận bằng 0, trong khi tiền thuê nhà vẫn cao. Các chuyên gia nói sẽ cần nhiều tháng để kinh tế hồi phục, thậm chí lâu hơn.
“Trong ngắn hạn, tất nhiên sẽ có sự hồi phục”, Larry Hu, nhà kinh tế của công ty Macquari Capital, nói với CNN. “Sản xuất sẽ phục hồi trước, rồi đến tiêu dùng, vì nhiều người vẫn không muốn ra ngoài... nhưng nhìn từ góc độ lâu dài, chẳng hạn ba năm, virus vẫn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng lâu dài của Vũ Hán”.
Mất nhiều thời gian để hồi phục
Khi Vũ Hán bị phong tỏa, chỉ sau một đêm, cuộc sống như “đóng băng”. Ở nhiều nơi trong thành phố, người dân phải ở nhà trong vài tháng liền, không thể ra ngoài và phải dựa vào các dịch vụ giao hàng để mua đồ ăn hay các nhu yếu phẩm khác.
Giờ đây khi hết phong tỏa, chính quyền rất muốn đưa cuộc sống trở lại bình thường nhanh nhất có thể dưới áp lực đẩy mạnh kinh tế vốn đang chững lại.
Nhưng các dấu hiệu cho thấy dù giới chức địa phương cố gắng hứa hẹn, lạc quan, nền kinh tế tỉnh Hồ Bắc sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt vừa qua, theo CNN.
Shaun Roache, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings, nói Vũ Hán đã cho thế giới bài học là hành động sớm để chống virus corona sẽ tốn kém về kinh tế nhưng có thể mở cửa lại sớm hơn.
“Nhưng phong tỏa có tác động không tương xứng lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này ít có khả năng tiếp cận tín dụng để ‘làm cầu nối hồi phục’, và có thể sẽ chật vật trước gánh nặng của việc mở cửa lại”, ông nói với CNN.
Khi phóng viên CNN lái xe qua Vũ Hán cuối tháng 4, hơn nửa cửa tiệm, hàng quán ở một con phố mua sắm vẫn đang đóng. GDP quý I của tỉnh Hồ Bắc giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tân Hoa Xã. Doanh thu bán lẻ giảm hơn 15% chỉ trong tháng 3.
Chính phủ đã tuyên bố các doanh nghiệp đang thuê mặt bằng từ các doanh nghiệp nhà nước sẽ được miễn tiền thuê trong ba tháng. Nhưng đối với những ai đang thuê từ chủ tư nhân, gánh nặng tiền thuê cộng với việc không có lợi nhuận đang khiến họ phải đóng cửa.
“Tôi mở cửa hai ngày, không có khách nào vào ăn... chỉ nhận được 2-3 đơn hàng trên mạng. Chi phí mở cửa nhiều hơn tiền mà tôi kiếm được mỗi ngày, nên tôi lại đóng”, một chủ nhà hàng nói với tờ Global Times.
Tính trên toàn Trung Quốc, sản lượng kinh tế đã giảm 6,8% trong quý I năm 2020 - lần giảm đầu tiên kể từ khi GDP hàng quý được thống kê. Doanh thu bán lẻ giảm 15,8% trong tháng 3, sau khi đã giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm vì các lệnh phong tỏa, theo Reuters.
Các nhà phân tích ước tính 30 triệu người sẽ mất việc trong năm nay do các nhà máy đóng cửa và nhu cầu trên thế giới giảm mạnh, vượt trên mức 20 triệu người mất việc trong khủng hoảng tài chính 2008-2009, theo Reuters.
Công ty tài chính Nomura ước tính Trung Quốc có thể mất khoảng 18 triệu việc làm trong ngành xuất khẩu - gần 1/3 số lao động trong ngành này, theo AFP.
Lo sợ làn sóng thứ hai
Một số chủ doanh nghiệp chia sẻ với CNN lo ngại rằng hỗ trợ của chính phủ sẽ đến quá muộn để có thể cứu các cửa tiệm, hàng quán nhỏ, buộc họ phải đóng cửa vĩnh viễn.
Vẫn phải đóng cửa là các phòng gym và rạp phim, và chưa có kế hoạch cụ thể cho các nơi này mở lại.
Các cửa hàng mở lại được đã phải thay đổi mô hình kinh doanh. Các chuỗi lớn như Starbucks, McDonald’s, Burger King, KFC và Pizza Hut đều đang không cho khách vào ăn bên trong, thay vào đó, nhân viên mang đơn hàng ra ngoài đưa khách mang đi, theo CNN.
Roache nói sản xuất có thể phục hồi nhanh sau virus, nhưng ngành dịch vụ sẽ chậm phục hồi nhất. “Đó là điều quan trọng vì ngành dịch vụ tuyển dụng nhiều lao động nhất trong hầu hết nền kinh tế”.
Tệ hơn nữa, nhiều chủ kinh doanh và người dân ở Vũ Hán nói với CNN họ tin rằng làn sóng bùng phát dịch thứ hai chỉ là vấn đề thời gian, dẫn đến đợt phong tỏa tiếp theo và đòn giáng mới vào nền kinh tế.
Ngày 1/5, giới chức y tế Vũ Hán thông báo phát hiện 19 ca nhiễm virus corona không triệu chứng trong thành phố.
“Có thể sẽ còn lâu nữa để Vũ Hán và cả thế giới quay lại một trạng thái nào đó gần giống với bình thường”, CNN bình luận.