Vụ Con Cưng: Đường đi của lô hàng 'có vấn đề' về Việt Nam
Con Cưng khẳng định bán hàng chính hãng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng | |
Mở rộng kiểm tra Con Cưng |
Chiều 22/7 tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra 3 cửa hàng thuộc hệ thống của Cty Cổ phần Con Cưng (concung.com). Ảnh: Thành Nam |
Liên quan vụ việc có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của Cty CP Con Cưng - đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity (gọi tắt Con Cưng), công ty này bước đầu đã cung cấp những thông tin liên quan nguồn gốc, xuất xứ của lô sản phẩm có chứa hàng hóa bị một khách hàng tố giả nhãn mác.
Theo đại diện của Cty CP Con Cưng, lô hàng này được sản xuất bởi Cty International Incorporated, trụ sở ở Thái Lan, thông qua Hợp đồng mua bán ký ngày 10/11/2017 giữa hai bên. Toàn bộ sản phẩm đã lấy được chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D do Cục Ngoại thương - Bộ Thương mại Thái Lan cấp.
Bàn về vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên, ngày 26/7, ông Nguyễn Nhất Kha, Cục phó Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, cũng giống như các vụ việc Khaisilk, Mumuso thời gian qua, dấu hiệu sai phạm được phát hiện sau khi hàng đã đưa vào nội địa tiêu thụ, tức đã hoàn thành các thủ tục hải quan để nhập khẩu (NK) trước đó. Do đó, dựa trên yêu cầu của cơ quan điều tra, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng phối hợp xác minh, xử lý theo quy định. Riêng lực lượng Hải quan sẽ phối hợp xác minh hồ sơ NK hàng hóa để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi được hỏi trách nhiệm quản lý địa bàn của lực lượng quản lý thị trường đến đâu đối với hàng đã được đem ra bày bán trên thị trường nội địa, một lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường nói: “Quản lý thị trường không có chức năng điều tra nên rất khó để phát hiện, xử lý các dấu hiệu sai phạm của doanh nghiệp. Hiện, lực lượng quản lý thị trường đang phối hợp kiểm tra tổng thể việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Con Cưng. Khi nào kết thúc sẽ có báo cáo cụ thể gửi Bộ trưởng Bộ Công thương duyệt rồi mới cung cấp cho báo chí được”.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp (DN) am hiểu lĩnh vực này, hiện nhiều DN Việt Nam thuê DN nước ngoài sản xuất, gia công hàng rồi gắn mác Việt Nam để NK về lại nước ta tiêu thụ. Ông Kha cho hay, ngày 20/4, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 38 quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (XK), NK, có hiệu lực từ ngày 20/5.
“Trong Thông tư số 38 đã có những điều khoản quy định rõ việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam, phải khai báo xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan ra sao, kiểm tra trước, trong và sau thông quan như thế nào. Trường hợp có thông tin, dấu hiệu nghi ngờ, Hải quan sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra về xuất xứ hàng hóa, đồng thời kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất, cơ quan cấp C/O. Với các DN NK hàng từ Trung Quốc hay Thái Lan... về, nếu phát hiện nhãn mác khai báo xuất xứ từ Việt Nam thì chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh xem việc khai báo đó có được các cơ quan của Việt Nam cấp C/O không, nếu có thì xác minh tiếp việc cấp xuất xứ đó có đúng quy định hay không. Hoặc, kiểm tra tại trụ sở DN sản xuất để xem có phải họ nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về rồi sản xuất thành phẩm để xuất khẩu đi các nước, hay tiêu thụ nội địa?”, ông Kha cho biết.
Theo Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của khu vực tự do thương mại ASEAN, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này và ngược lại muốn được hưởng ưu đãi về thuế bắt buộc phải có C/O mẫu D. Như vậy, theo ông Kha, khi lô hàng chứa quần áo trẻ em của Con Cưng NK vào Việt Nam, doanh nghiệp đã phải xuất trình C/O mẫu D để làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, theo Cục phó Cục Giám sát quản lý, cũng cần kiểm tra việc nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ.