|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VSDC: Nền kinh tế ổn định trong bấp bênh

15:33 | 07/06/2024
Chia sẻ
VDSC chỉ ra mặc dù sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tiêu dùng đều ghi nhận sự tăng trưởng. Song xu hướng hồi phục vẫn chưa thực sự mạnh mẽ do bối cảnh vĩ mô vẫn rất bấp bênh.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa phát hành Báo cáo vĩ mô Việt Nam tháng 6: Ổn định trong bấp bênh. Tại báo cáo này, các chuyên gia của VDSC đánh giá sức khoẻ nền kinh tế ổn định trong tháng 5, nhiều lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại song bối cảnh vĩ mô vẫn rất bấp bênh.

Ba động lực quan trọng của nền kinh tế là: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tiêu dùng đều ghi nhận sự tăng trưởng. Song ẩn sau đó còn nhiều yếu tố "bấp bênh".

 

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp và PMI. (Nguồn: VDSC).

 

 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng trưởng tháng thứ 3 liên tục, ghi nhận mức tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5, cao hơn mức tăng đã điều chỉnh là 7,4% trong tháng 4. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng 5/2024 tăng trưởng rất tích cực, tăng trên 10% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022, nhờ đó, bù đắp đáng kể cho mức tăng trưởng âm 9,4% của lĩnh vực khai khoáng.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất và phân phối điện cũng tăng trưởng liên tục trên 10% trong 3 tháng gần nhất, mức tăng ghi nhận trong tháng 5 là 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng cao của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 5 được hỗ trợ bởi nhóm ngành xuất khẩu chính gồm: sản xuất trang phục (tăng 9,4%); chế biến gỗ (tăng 23,0%); sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 17,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù chỉ số công nghiệp tăng trưởng khả quan nhưng luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, toàn ngành công nghiệp chỉ mới tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng trưởng âm 2,0% trong cùng kỳ năm 2023 nhưng thấp hơn mức tăng 8,3% trong 5 tháng đầu năm 2022).

Diễn biến chỉ số PMI nhìn chung ổn định và chưa cho thấy nhiều động lực bứt phá. PMI tháng 5 không đổi ở mức 50,3 điểm nhờ sự cải thiện nhẹ của đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, cấu phần việc làm hay tồn kho nguyên vật liệu tiếp tục chuỗi suy giảm.

Số lượng việc làm giảm tháng thứ hai liên tiếp, mức giảm đáng kể nhất trong 1 năm. Trong khi đó, thời gian tồn kho hàng mua giảm đã kéo dài suốt 9 tháng. Đặc biệt, điều kiện sản xuất tại Việt Nam yếu hơn đáng kể so với khu vực, hoạt động sản xuất và đơn hàng mới của khu vực ASEAN cải thiện mạnh mẽ trong tháng 5 giúp cho PMI của khu vực tăng từ mức 51,0 điểm trong tháng 4 lên 51,7 điểm trong tháng 5.

Điểm khác biệt nổi bật giữa hoạt động sản xuất Việt Nam và khu vực có thể là do tốc độ phục hồi của đơn hàng trong nước của các nước tốt hơn so với Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng trong nước không có sự chuyển biến rõ rệt trong tháng 5.

 Tăng trưởng doanh thu từ bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. (Nguồn: VDSC).

Doanh thu từ bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ghi nhận mức tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,1% so với tháng trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 8,5% trong 4 tháng đầu năm 2024) nhưng sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 5,2% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 5,3% của 4 tháng đầu năm 2024).

Doanh số bán lẻ hàng hoá trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 10,7% trong cùng kỳ năm 2023), trong khi đó doanh số bán lẻ dịch vụ tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 20,4% trong cùng kỳ năm 2023).

Mặc dù có sự chững lại trong tiêu dùng nội địa trong tháng 5/2024 song VDSC kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện trong các tháng cao điểm về du lịch trong mùa hè và nhu cầu mua sắm cho năm học mới. Đồng thời, cải cách về tiền lương được thực hiện từ 1/7 cũng sẽ tác động tích cực một phần đến tiêu dùng trong quý cuối năm.

Tổng số công chức viên chức hiện tại khoảng 2,2 triệu người, tương đương 4,3% tổng lực lượng lao động tại Việt Nam. Với chính sách bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương và xây dựng bảng lương mới, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức dự kiến tăng khoảng 25 - 30% so với mức hiện tại.

Nguồn kinh phí ngân sách dành cho chính sách cải cách tiền lương năm 2024 là 74 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng kế hoạch chi ngân sách Nhà nước và 0,7% GDP danh nghĩa năm 2023.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu. (Nguồn: VDSC).

Với xuất nhập khẩu, trong tháng 5, tình hình xuất nhập khẩu có những diễn biến tích cực, với trụ cột dẫn dắt là nhóm hàng công nghệ. Trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 5,7% so với tháng trước, hồi phục sau khi giảm trong tháng 4. Mức tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ cũng khả quan, phục hồi từ mức tăng 10,2% trong tháng 4 lên 15,8% trong tháng 5.

Ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu trong tháng 5/2024, tăng 29,9% so với cùng kỳ và tăng 12,8% so với tháng trước. Trong đó, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng điện tử tăng 39,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 25,1% trong tháng trước.

Đồng thời, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho dệt may tăng mạnh 26,6%, cao hơn mức tăng 18,5% trong tháng 4. Nổi bật hơn là nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, tăng 22,3% so với cùng kỳ trong tháng 5, cao hơn mức tăng 16,0% trong tháng 4. Nhập khẩu của 3 nhóm hàng này đóng góp khoảng 54% vào mức tăng tổng thể.

Hạ An