|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trợ lực để sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh

11:18 | 10/05/2024
Chia sẻ
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp Việt Nam đã có sự phục hồi và đón nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực dù vẫn còn đó nhiều khó khăn.

Sản xuất ô tô du lịch tại nhà máy lắp ráp ô tô Ford Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Tiếp đà phục hồi

Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới.

Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới… Đây là những nhân tố có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, hiện các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các doanh nghiệp của hiệp hội đang rất nỗ lực để kết nối nhiều hơn với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… nhằm tăng bạn hàng, tạo tiền đề cho thúc đẩy sản xuất của năm 2024 - ông Long cho biết thêm.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 11,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,8%.

Một số địa phương có IIP tháng 4/2024 tăng cao so với tháng trước như: Sơn La tăng 36,4%; Vĩnh Phúc tăng 17,6%; Thái Bình tăng 16,8%; Hà Giang tăng 14,2%; Kiên Giang tăng 12,5%; Bắc Kạn tăng 11,2%; Hòa Bình tăng 9,8%; Yên Bái tăng 9,6%; Sóc Trăng tăng 9,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung...

Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, có được kết quả trên phải kể đến hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; cùng đó là kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước; sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng.

Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng nhận định, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, sản xuất công nghệp và hoạt động thương mại của nước ta cũng còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý như sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện (còn 9/63 địa phương giảm điểm).

Thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc; tỷ giá biến động khá mạnh trong tháng 4 đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp; giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao…

Cần thêm hỗ trợ

Theo chia sẻ của ông Đào Phan Long, tình hình thị trường, sản xuất kinh doanh dù đã được cải thiện hơn rất nhiều so với năm trước, nhưng dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn còn đó những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực cũng sẽ khiến hoạt động thương mại đối mặt rủi ro, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, có độ mở lớn nên rất dễ chịu tác động tiêu cực từ các rủi ro. Ông Long cho rằng, doanh nghiệp vẫn rất cần các giải pháp kết nối doanh nghiệp của các bộ ngành, cùng đó là tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đây là những liều thuốc bổ trợ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết, thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, nhất là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Đặc biệt là chính sách về giãn nợ, gia hạn thời gian trả nợ để doanh nghiệp có nguồn vốn tạm thời phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

“Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp hội HANSIBA cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với phía Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ để cùng hợp tác”, ông Vân nói.

Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...; từ đó tạo dung lượng thị trường cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất; tiếp tục kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam…

Đức Dũng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.