Vòng tròn luẩn quẩn của nền kinh tế: Giá cả đắt đỏ, nhu cầu sụp đổ và bóng ma suy thoái
Giá của một số sản phẩm quan trọng nhất trên thế giới như thực phẩm, nhiên liệu, nhựa và kim loại đều đang tăng cao, vượt quá mức mà nhiều người có thể mua được. Điều đó buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.
Một hệ lụy tai hại là, nếu xu hướng này tiếp tục, các nền kinh tế vốn đã bầm dập vì dịch bệnh và chiến sự có thể rơi vào suy thoái, Bloomberg cảnh báo.
Giá cả tăng như vũ bão
Khó khăn đang lộ rõ trên khắp hành tinh. Chẳng hạn, chi phí nhiên liệu cao hơn đang tác động đáng kể đến đời sống doanh nghiệp ở châu Á.
Phật Sơn, một thành phố ở phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), đã bắt đầu hạn chế lượng khí đốt tự nhiên cung ứng cho các nhà máy sản xuất gốm đốt nhiên liệu. Hơn một nửa số dây chuyền của thành phố đã phải tạm ngừng hoạt động.
Hoặc tại bang Missouri (Mỹ), công ty vận tải đường bộ của anh Gary Hamilton đang cân nhắc có nên tạm ngừng hoạt động cho đến khi giá xăng dầu hạ nhiệt. Theo AAA, trung bình giá dầu diesel hiện ở mức 4,67 USD/gallon. Nếu giá leo lên trên 5,25 USD/gallon, công ty của Hamilton coi như xong đời.
Theo Hamilton, một phần của vấn đề là anh không thể tự định giá dịch vụ, quyết định nằm trong tay các công ty nông nghiệp đối tác. Nếu Hamilton yêu cầu mức giá cao hơn để phù hợp với chi phí nhiên liệu, khách hàng sẽ tìm người khác.
“Giá nhiên liệu đắt đỏ đang giết chết chúng tôi. Nếu tạm dừng hoạt động và sa thải thêm nhân viên, chúng tôi mới có thể cầm cự”, Bloomberg dẫn lời ông chủ Gary Hamilton bày tỏ.
Ngay tại châu Âu, các nhà máy luyện thép sử dụng lò điện hồ quang cũng đang thu hẹp quy mô sản xuất do chi phí điện năng tốn kém, khiến giá thép thành phẩm thậm chí còn đắt hơn.
Các nhà sản xuất phân bón, vốn sử dụng khí đốt tự nhiên làm nguyên liệu thô, đã bắt đầu giảm công suất vào năm ngoái. Italy, Đức và Anh đang nghiên cứu các cách để mua thêm than đá vào mùa đông năm nay để giảm bớt nhu cầu khí đốt trong sản xuất.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu vừa lập kỷ lục mới vào tháng 2, trong bối cảnh chiến sự tại Đông Âu làm gián đoạn các chuyến hàng từ hai nhà cung ứng ngũ cốc chủ chốt. Nga và Ukraine chiếm hơn 25% lượng ngũ cốc và phần lớn lượng dầu ăn tiêu thụ trên toàn cầu.
Thực phẩm tăng cao có thể gây khó chịu cho tầng lớp trung lưu, nhưng thiệt hại nghiêm trọng nhất lại giáng lên những người nghèo khó. Đối với một số người, “nhu cầu sụp đổ” sẽ là một cách nói nhẹ hơn cho từ “đói ăn”.
Ở các nước phát triển, sự kết hợp của giá năng lượng cao hơn và thực phẩm đắt đỏ có thể buộc các hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu tùy ý như đi chơi tối, đi nghỉ, mua iPhone hoặc máy game PlayStation mới.
Gus Kassimis, chủ nhà hàng Gemini Diner ở thành phố New York, chia sẻ: “Mọi người ngày càng cảnh giác trong chi tiêu. Tôi không biết các khách hàng sẵn sàng chi bao nhiêu tiền”.
Xe điện của Tesla, Volkswagen và General Motors đúng là có thể trở thành tương lai của ngành vận tải, nhưng chi phí sản xuất pin lithium trong xe điện của các hãng này đã leo thang gần 500% so với một năm trước.
Chia sẻ với Bloomberg, bà Maria Ma - một nhà phân tích tại Sàn Giao dịch Kim loại Thượng Hải, cho hay: “Áp lực đang đè nặng lên các nhà sản xuất ô tô. Điều khiến thị trường lo lắng hiện nay là doanh số bán xe điện trong vài tháng tới có thể đi ngang hoặc đi xuống nếu các hãng điều chỉnh giá bán”.
Dầu thô - huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu, đang đứng trước nguy cơ nhu cầu bị sụp đổ vì giá quá cao. JPMorgan đã cắt giảm dự báo nhu cầu toàn cầu quý II xuống 1,1 triệu thùng/ngày và giảm triển vọng cho hai quý còn lại khoảng 500.000 thùng. Châu Âu chiếm hầu hết mức giảm của đại gia ngân hàng Mỹ.
Nguy cơ suy thoái cận kề
Ông Kenneth Medlock III, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Viện Chính sách Công Baker (Đại học Rice), nhận định: “Nhìn chung, giá cả tăng chóng mặt báo hiệu nguy cơ kinh tế rơi vào suy thoái”.
Trong một thông báo, Giám đốc Điều hành Kristalina Georgieva cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sắp hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Cơ quan này nhận thấy khả năng suy thoái kinh tế đang dâng cao ở ngày càng nhiều quốc gia.
Ở một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, Giám đốc Georgieva nói nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể tăng trưởng trong năm nay, nhưng thấp hơn 4,4% so với dự đoán trước đó.
Phát biểu tại sự kiện hồi tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell khẳng định cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát bằng cách thổi giá thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng khác “ngay thời điểm lạm phát đã quá cao”.
Trong thời gian tới, ông Powell nhấn mạnh rằng kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Fed và ngân hàng trung ương quyền lực này sẽ sàng nâng lãi suất đến 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo nếu cần.