Vốn ngoại khoái cổ phiếu chứng khoán
Chỉ còn một 'cứ điểm bảo toàn' vốn ngoại tại ngân hàng Việt mới niêm yết |
Cổ phiếu đầu ngành hút vốn ngoại
9 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch chứng khoán trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam bình quân đạt hơn 7.100 tỷ đồng/phiên, tăng 42% so với bình quân năm 2017, thậm chí có những giai đoạn giao dịch sôi động với thanh khoản khớp lệnh lên đến gần chục nghìn tỷ đồng/phiên. Giá trị giao dịch tăng mạnh cùng hàng loạt doanh nghiệp lớn lên sàn, chào bán cổ phiếu ra công chúng, thoái vốn nhà nước… đã mang nguồn thu lớn, giúp kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán khởi sắc.
Báo cáo tài chính quý III/2018 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, SSI ghi nhận doanh thu hoạt động 2.794,7 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận trước thuế 1.354,8 tỷ đồng, tăng 38,4%. Trong đó, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế của riêng quý III tăng tương ứng 28,3% và 92% so với cùng kỳ. Với kết quả này, SSI đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm, qua đó tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thị phần môi giới quý III/2018 trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) với 15,79% thị phần.
Trên thị trường, cổ phiếu SSI cũng duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp câu chuyện rút ròng của khối ngoại trong mấy tháng qua (không tính những trường hợp thỏa thuận đột biến của YEG, VHM, MSN hay VIS), tại SSI, xu hướng mua ròng vẫn chiếm ưu thế. Tính đến hết phiên giao dịch 12/11/2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại SSI là 57,7%. Tính từ đầu năm, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 25,6 triệu cổ phiếu SSI, tương ứng giá trị 939,2 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ 2 trên bảng thị phần môi giới tại HOSE suốt 5 năm trở lại đây, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HCM) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở hầu hết các mảng kinh doanh, từ tự doanh, môi giới đến tư vấn trong 9 tháng qua. Kết thúc III quý đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của HCM đạt 1.948 tỷ đồng, gấp 2,24 lần cùng kỳ 2017; lợi nhuận trước thuế tăng 64,4%, đạt 753,4 tỷ đồng; hoàn thành lần lượt 92,3% và 72,5% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Trên sàn giao dịch, cổ phiếu HCM được khối ngoại mua ròng đáng kể từ đầu năm với khoảng 5,3 triệu cổ phiếu. Tính đến hết phiên 12/11/2018, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại HCM đạt 61,98% tổng số cổ phiếu lưu hành.
Là những công ty chứng khoán có thị phần dẫn đầu trên thị trường, kết quả kinh doanh tích cực, nên việc cổ phiếu SSI, HCM được nhà đầu tư lựa chọn là điều dễ hiểu, nhất là khi triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhờ nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng nhanh, các sản phẩm, dịch vụ ngày càng hoàn thiện và đa dạng…
Tại một số doanh nghiệp khác trong Top các công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới, xu hướng mua ròng nhìn chung vẫn chiếm ưu thế. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VCI của Công ty Chứng khoán Bản Việt được khối ngoại mua ròng hơn 3,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 276 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện đạt 41,4%. Tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 163,3 tỷ đồng...
Kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực (từ 1/9/2015), là nhóm ngành không thuộc diện giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các công ty chứng khoán hoàn toàn có thể mở room ngoại lên 100%. Thực tế, sau khi SSI là đơn vị đầu tiên tiến hành mở room ngoại lên 100%, trong hơn 3 năm qua, đã có gần chục công ty chứng khoán khác nới hết room như HCM, Công ty Chứng khoán FPT (FTS), Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS)…
Mới nhất, sau khi được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 thông qua kế hoạch mở room lên 100% nhằm tạo thuận lợi trong việc hút vốn ngoại, cuối tháng 8 vừa qua, các thủ tục đã được VCI hoàn tất và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra công văn chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%.
M&A Công ty chứng khoán nhỏ
Trong khi các cổ phiếu chứng khoán đầu ngành nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, thì nhiều cổ phiếu chứng khoán nhỏ lại gần như bị lãng quên. Vậy nhưng, vị thế của những công ty chứng khoán này đang dần thay đổi, thậm chí nhiều công ty trở thành đối thủ đáng gờm đối với các doanh nghiệp đầu ngành khi đón nhận làn sóng M&A và "ngoại hóa" công ty chứng khoán nội.
Trên thực tế, dòng vốn ngoại đổ vào khối các công ty chứng khoán thời gian qua theo 2 xu hướng chính: Một là mua cổ phiếu của các công ty chứng khoán trên sàn, hai là mua lại toàn bộ công ty chứng khoán.
Nếu như với xu hướng thứ nhất, sự tham gia phần lớn là của các nhà đầu tư tài chính, quỹ đầu tư chọn mua cổ phiếu của các doanh nghiệp top đầu như HCM, SSI, VCI… và ít thay đổi cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, thì với xu hướng thứ hai, tổ chức nước ngoài sau khi thâu tóm công ty chứng khoán nội sẽ tiến hành tái cấu trúc hoàn toàn doanh nghiệp nhằm nhanh chóng cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối tượng được nhắm đến trong xu hướng này thường là các công ty chứng khoán quy mô nhỏ, cơ cấu tài sản lành mạnh nhưng chưa hoạt động hiệu quả như trường hợp của Công ty Chứng khoán Đệ Nhất (FSC), Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) gần đây là ví dụ.
Tháng 9/2017, FSC và MSI cùng tiến hành nâng room lên 100%. Ngay sau đó, KB Securities - công ty con của Tập đoàn KB Financial (Hàn Quốc) đã chi khoảng 33 triệu USD để mua gần 100% cổ phần của MSI và đổi tên thành CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Với FSC, Tập đoàn Tài chính Yuanta (Đài Loan) đã từng bước mua cổ phần và tiến đến nắm giữ 99,95% vốn tại FSC, sau đó đổi tên thành CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam .
Sau khi thâu tóm, quá trình tái cấu trúc tại các đơn vị này đã diễn ra mạnh mẽ. Tháng 9/2018, Yuanta Việt Nam đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, đủ điều kiện cung cấp đầy đủ các dịch vụ trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả phái sinh... Khi chính thức ra mắt cuối tháng 10/2018, Yuanta Việt Nam đã có hội sở chính và 4 chi nhánh tại TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Công ty dự kiến sớm mở thêm các chi nhánh ở nhiều thành phố lớn khác như Hải Phòng, Cần Thơ ,... trong thời gian tới.
Tại KBSV, đầu tháng 11/2018, Công ty đã được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 1.680 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, KBSV sẽ nằm trong Top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất.
Thông qua mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển mạng lưới giao dịch, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển ứng dụng giao dịch trực tuyến đặc biệt là các ứng dụng trên thiết bị di động, KBSV cho biết, mục tiêu mà Công ty hướng đến là lọt vào Top 3 công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam.
Mục tiêu này thể hiện tham vọng của những ông chủ mới tại KBSV. Thực tế, những năm qua, ngoại trừ một số trường hợp công ty chứng khoán có vốn ngoại kinh doanh thua lỗ như Chứng khoán Kenanga, Chứng khoán Nhật Bản... và từng bước rút lui khỏi thị trường, thị trường chứng kiến nhiều cái tên thành công như Maybank KimEng, KIS Việt Nam, Mirae Asset...
Trong khi cách biệt về văn hóa giữa ông chủ ngoại với nhà đầu tư nội có thể được san lấp bằng việc thu hút đội ngũ nhân sự trong nước chất lượng, am hiểu thị trường, công ty chứng khoán ngoại còn có lợi thế đặc biệt khi tiếp cận, hỗ trợ cho nhà đầu tư cá nhân/tổ chức từ chính quốc gia đó…
Với lợi thế có nguồn vốn rẻ, quy mô vốn lớn, thế mạnh từ công nghệ và quản trị, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các công ty mẹ là các tập đoàn tài chính lớn ở những thị trường phát triển, các công ty chứng khoán ngoại được nhìn nhận sẽ là đối thủ đáng gờm với những công ty chứng khoán nội đầu ngành hiện nay, đẩy cuộc chiến giành giữ thị phần, khách hàng ngày càng trở nên khốc liệt.