|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hóa Vietcombank vượt Vingroup, đứng đầu thị trường chứng khoán Việt

19:04 | 18/06/2021
Chia sẻ
Sau một phiên giá cổ phiếu VCB tăng mạnh, Vietcombank đã vượt qua Vingroup để trở thành doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vốn hóa Vietcombank vượt Vingroup, đứng đầu thị trường chứng khoán Việt - Ảnh 1.

Vietcombank hiện là doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất Việt Nam. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Phiên cuối tuần 18/6, cổ phiếu VCB của Vietcombank bật tăng 4,1% lên 108.500 đồng/cp và là một trong những mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng cũng như chỉ số VN30.

Cổ phiếu VIC của Vingroup cũng tăng nhưng chỉ với tỷ lệ khiêm tốn 0,3%. Kết quả là Vingroup đã bị Vietcombank vượt qua về vốn hóa.

Giá trị niêm yết của Vietcombank hiện nay là khoảng 402.400 tỷ đồng, tương đương 17,5 tỷ USD. Vingroup bám sát theo sau với giá trị 397.100 tỷ đồng, kém Vietcombank vỏn vẹn 1,3%. Chỉ cần một phiên giao dịch biến động tương đối mạnh là thứ hạng trên bảng vốn hóa sẽ thay đổi.

Công ty con của Vingroup là Vinhomes (Mã: VHM) cũng đang trên đường đua với tổng giá trị cổ phiếu trên sàn đạt 376.800 tỷ đồng, thấp hơn hai cái tên dẫn đầu khoảng 6%. Mới ít ngày trước, đã có lúc vốn hóa Vinhomes vượt qua Vietcombank và tạm thời chỉ đứng sau công ty mẹ Vingroup.

Tuy nhiên, do cách biệt giữa các tay đua không lớn nên thứ tự rất dễ thay đổi qua các phiên.

Những cái tên còn lại trong top 10 là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, VNM của Vinamilk, CTG của VietinBank, BID của BIDV, TCB của Techcombank, GAS của PV Gas và VPB của VPBank. 

Như vậy trong top 10 vốn hóa có tới 5 mã thuộc ngành ngân hàng.

Vốn hóa Vietcombank vượt Vingroup, đứng đầu thị trường chứng khoán Việt - Ảnh 3.

(Vốn hóa của HPG được tính theo tổng số cổ phiếu đang lưu hành là hơn 4,47 tỷ đơn vị).

Tổng vốn hóa của 10 mã kể trên hiện nay là 2,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 432.000 tỷ so với ngày cuối năm 2020 và đang chiếm gần 50% tổng giá trị vốn hóa của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Những xáo trộn lớn trong top 10

Hai mã mới gia nhập top 10 trong những tháng đầu năm 2021 đều thuộc nhóm ngân hàng, đó là VPB và TCB. Hai mã bị đánh bật khỏi danh sách là ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và SAB của đại gia bia rượu Sabeco.

Cổ phiếu có vốn hóa tăng mạnh nhất so với cuối ngày 31/12/2020 là HPG với giá trị tăng thêm 95.700 tỷ đồng (tính cả 1,16 tỷ cổ phiếu mới được phát hành để trả cổ tức). Nhờ vậy mà HPG nhảy 4 bậc từ vị trí thứ 8 lên thứ 4.

Hai mã có vốn hóa thăng tiến thần tốc khác là VPB tăng 83.600 tỷ và VHM thêm 82.400 tỷ.

Trái lại, giá trị niêm yết của Vinamilk sụt gần 35.000 tỷ và của BID giảm 7.000 tỷ, đồng nghĩa với việc giá của các cổ phiếu này hiện nay đang thấp hơn so với ngày cuối năm ngoái.

Vốn hóa Vietcombank vượt Vingroup, đứng đầu thị trường chứng khoán Việt - Ảnh 4.

Những biến động trong top 10 vốn hóa cũng phần nào phản ánh nhận định của nhà đầu tư về tình hình kinh doanh của các ngành kinh tế:

Cổ phiếu ngân hàng gia nhập thêm đông đúc và chiếm được ngôi vương trong bối cảnh lợi nhuận tăng vọt bất chấp đại dịch. 

Đại gia thép HPG thăng 4 bậc khi cả ngành thép hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công và siêu chu kỳ hàng hóa toàn cầu, giá thép thành phẩm tăng vọt.

Nhiều cổ phiếu thép như HSG, NKG, ... tăng mạnh hơn nhiều so với HPG nhưng do quy mô nhỏ nên chưa đủ để góp mặt trong top đầu vốn hóa.

Doanh nghiệp hàng không và bia rượu, nhà hàng bị thiệt hại nặng bởi dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội kèm theo. Hệ quả là ACV và SAB tỏ ra yếu thế hơn khi so với các cổ phiếu khác và rớt khỏi top 10.

Song Ngọc

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.