|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hóa cổ phiếu ngân hàng tăng 43.500 tỷ đồng sau phiên hồi phục

23:52 | 09/06/2021
Chia sẻ
Sau hai phiên đỏ lửa liên tiếp, nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn như Techcombank, VPBank, ACB, Vietcombank, VietinBank, … đã khởi sắc trở lại trong phiên 9/6. Khối ngoại cũng tập trung mua ròng hơn 300 tỷ đồng nhóm ngân hàng.
Vốn hóa cổ phiếu ngân hàng tăng 43.500 tỷ đồng sau phiên hồi phục - Ảnh 1.

Cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank tăng 0,4% trong phiên 9/6, vốn hóa thêm khoảng 700 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 9/6 hồi phục trên diện rộng sau hai phiên bị bán tháo. Sàn HOSE ghi nhận 222 mã xanh, áp đảo 170 mã đỏ. VN-Index đóng cửa ở 1.332,9 điểm, tăng 1%. 

Chỉ số vốn hóa lớn VN30-Index tăng 1,31% lên 1.457,76 điểm với 18 mã đóng cửa trên tham chiếu, bao gồm toàn bộ cổ phiếu ngân hàng.

HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 3,4% và 1% với số mã kết phiên trong sắc xanh nhiều hơn hẳn số mã giảm.

Ngân hàng và chứng khoán là hai nhóm cổ phiếu diễn biến đặc biệt tích cực trong phiên 9/6 với nhiều thành viên đi lên mạnh mẽ.

Cụ thể ở phía ngân hàng, LPB của LienVietPostBank tăng kịch trần, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội vọt lên 7,9%, ACB của Ngân hàng Á Châu và VIB của Ngân hàng Quốc Tế cùng tăng trên 5%, CTG của VietinBank thêm 3,1%, MBB của Ngân hàng Quân Đội và HDB của HDBank cùng tăng 3,4%, ...

VCB của Vietcombank chỉ tăng 2% nhưng do có vốn hóa lớn nhất nên giá trị vốn hóa tăng thêm cũng là khủng nhất, lên tới hơn 7.400 tỷ. Vốn hóa của VietinBank cũng tăng gần 5.600 tỷ.

Tổng cộng kết phiên 9/6, vốn hóa của 26 cổ phiếu ngành ngân hàng là hơn 1,86 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 30% GDP Việt Nam năm 2020 và tăng 43.500 tỷ đồng so với cuối phiên 8/6. 

Tuy bật tăng mạnh mẽ nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa lấy lại được 1/3 những gì đã đánh mất trong hai phiên đầu tuần. Cụ thể, qua hai phiên chốt lời và bán tháo 7 - 8/6, vốn hóa toàn ngành ngân hàng đã bị thổi bay tới 151.300 tỷ.

Vốn hóa cổ phiếu ngân hàng tăng 43.500 tỷ đồng sau phiên hồi phục - Ảnh 3.

Tổng vốn hóa cổ phiếu ngân hàng đạt trên 1,86 triệu tỷ đồng.

Ba ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng là những cái tên dẫn đầu về vốn hóa, trong đó Vietcombank có giá trị niêm yết lớn gấp đôi VietinBank đứng ngay sau.

Ở top 10 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất HOSE phiên 9/6, nhóm ngân hàng đóng góp tới 6 đại diện là VPB, MBB, TCB, STB, CTG và LPB. Trong đó, VPB dẫn đầu với tổng giá trị mua bán lên tới gần 2.400 tỷ đồng.

Vốn ngoại chảy vào cổ phiếu ngân hàng

Phiên 9/6 cũng chứng kiến dòng vốn ngoại chảy vào cổ phiếu ngân hàng dù bán ròng trên toàn thị trường. Cụ thể, các nhà đầu tư ngoại mua ròng gần 318 tỷ đồng nhóm ngân hàng, mạnh nhất là CTG, OCB, STB và HDB với giá trị trên 50 tỷ đồng; ngoài ra còn có MBB, VCB, LPB, MSB.

Vốn hóa cổ phiếu ngân hàng tăng 43.500 tỷ đồng sau phiên hồi phục - Ảnh 4.

Ở chiều ngược lại, VPB là cổ phiếu ngân hàng bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất nhưng giá trị cũng chỉ 20 tỷ đồng, chưa đủ để lọt vào top 10 bán ròng toàn thị trường.

Khối tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng 144 tỷ đồng nhóm ngân hàng trong phiên 9/6, còn lại khoảng 174 tỷ đồng là do các nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng.

Nhóm cổ phiếu kim loại bị khối ngoại xả nhiều nhất với giá trị 539 tỷ, riêng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã bị rút tới 518 tỷ. Nhóm bất động sản bị bán ròng 512 tỷ. Nhóm dịch vụ tài chính, chủ yếu gồm các công ty chứng khoán, được khối ngoại rót thêm 65 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Tổng cộng, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 643 tỷ đồng cổ phiếu và ETF ở sàn HOSE, bán ròng gần 28 tỷ ở sàn HNX và mua ròng hơn 13 tỷ ở thị trường UPCoM.

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.