|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn chủ sở hữu âm nhưng vốn hóa hơn 30 tỉ USD

05:39 | 16/07/2020
Chia sẻ
Giá một cổ phiếu Trung Quốc tăng vọt nhờ công ty có bộ phận kinh doanh xe điện và hứa hẹn sẽ trở thành hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
Tham vọng vượt Tesla, vốn hóa một công ty tăng sốc lên 30 tỉ USD dù vốn chủ sở hữu âm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Visual China Group

Trong suốt những tuần qua, châu Á đã chứng kiến sự điên cuồng của chứng khoán Mỹ, từ việc vốn hóa một công ty xe điện vượt Ford dù doanh thu bằng 0, nhà sáng lập của Tesla trở nên giàu có hơn Warren Buffett và các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô đi mua cổ phiếu các công ty phá sản như Hertz.

Nhưng giờ thì chúng ta chẳng phải nhìn đi đâu xa nữa. Sự mù quáng giờ đã lan sang cả Hong Kong.

Hãy xem xét Evergrande Health Industry Group, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuộc tập đoàn bất động sản Trung Quốc khổng lồ China Evergrande Group. Giá cổ phiếu Evergrande Health đã tăng hơn 200% trong năm nay, phần lớn sự tăng giá diễn ra trong tháng 7.

Theo Bloomberg, vốn hóa thị trường của Evergrande Health hiện đã đạt 30 tỉ USD, nhưng không phải nhờ vào hoạt động kinh doanh cốt lõi mà là nhờ bộ phận xe điện, vốn chỉ đóng góp cho 12% doanh thu năm ngoái.

Tham vọng vượt Tesla, vốn hóa một công ty tăng sốc lên 30 tỉ USD dù vốn chủ sở hữu âm - Ảnh 2.

Có rất ít thông tin về Evergrande Health, nhưng các nhà đầu tư đã đổ dồn vào công ty này với hi vọng nó sẽ biến thành một Tesla thứ hai. Công ty mẹ của nó - China Evergrande – có tham vọng cực kì lớn và thề thốt sẽ trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Kể từ cuối 2018, China Evergrande đã chi hàng tỉ USD để mua lại những công ty liên quan tới xe điện.

China Evergrande vẫn chưa bán ra mẫu xe điện thuần túy nào, đấy là chưa kể các nhà máy của hãng này ở Quảng Đông và Thượng Hải sẽ chỉ bắt đầu đi vào hoạt động kể từ năm 2021. 

Việc hơn 37.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô mua cổ phiếu Tesla trong một giờ cho thấy nhà đầu tư sẽ vơ vét bất kì cổ phiếu nào có chút gì đó giống với công ty xe điện của tỉ phú Elon Musk.

Cũng có thể nhà đầu tư thấy an tâm vì Evergrande Health sở hữu National Electric Vehicle Sweden AB - một nhà sản xuất xe điện đã mua lại Saab Automobile năm 2012. Evergrande Health cũng có liên doanh với nhà sản xuất siêu xe hàng đầu Koenigsegg Automotive AB.

Tuy nhiên, bất cứ ai chịu khó đọc báo cáo tài chính của Evergrande Health sẽ nhanh chóng phải sởn tóc gáy. Theo báo cáo thường niên mới nhất, "vốn chủ sở hữu dành cho các cổ đông" là âm 1,3 tỉ nhân dân tệ (tương đương âm 186 triệu USD).

Nói cách khác, trong khi các nhà đầu tư nghĩ Evergrande Health đáng giá 30 tỉ USD, một kế toán có thể nói rằng công ty này không có giá trị gì với cổ đông.

Sản xuất xe điện từ đầu đến cuối là một nỗ lực tốn kém. Vốn chủ sở hữu của Evergrande Health âm là vì công ty này đã tích lũy khối nợ 94,7 tỉ nhân dân tệ (13,5 tỉ USD). Năm ngoái, chi phí tài chính từ mảng xe điện của Evergrande Health là 2,2 tỉ nhân dân tệ (310 triệu USD), gấp 2,6 lần lợi nhuận được tạo ra từ lĩnh vực y tế.

Do vậy, Evergrande Health không có cả P/E lẫn P/B – tất cả đều âm.

Nhưng thanh khoản và định hướng của chính sách có thể sản sinh ra những hiện tượng rất kì lạ. Các dòng vốn đầu cơ đã được đổ vào Hong Kong: đô la Hong Kong mạnh lên trong khi theo logic thông thường thì đồng tiền này phải yếu đi vì Mỹ đã hành động để tước bỏ đặc quyền của thành phố này.

Giao dịch chứng khoán cũng trở nên rẻ hơn nữa. Huatai International, chi nhánh Hong Kong của công ty chứng khoán lớn thứ ba tại Trung Quốc đã miễn phí giao dịch từ tháng trước.

Trong khi đó, cơn sốt chứng khoán đã quay trở lại Trung Quốc vào tháng 7. Với vốn hóa 30 tỉ USD, nếu cần tiền, Evergrande Health chỉ cần niêm yết thêm tại thị trường nội địa mà không cần phải chứng minh rằng công ty có bất kì "lợi thế" hay "công nghệ hàng đầu thế giới" nào. Ngoài ra, một mức định giá cao chót vót tại Trung Quốc đại lục có thể sẽ hỗ trợ cho cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong.

Giang