|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vn-Index là chỉ số tăng mạnh thứ hai khu vực châu Á

07:00 | 03/10/2016
Chia sẻ
Với mức tăng 18,91% kể từ đầu năm đến nay, Vn-Index của Việt Nam trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ hai khu vực châu Á, chỉ sau Karachi Stock Exchange 100 của Pakistan, theo số liệu của CNBC.

Mức tăng của Vn-Index thậm chí còn cao hơn của chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, với 10,82%.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang chuyển mình từ một nền kinh tế cần nhiều nhân lực sang nền kinh tế tập trung phát triển lao động có tay nghề cao, Việt Nam, với lợi thế chi phí lao động thấp và hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đang hưởng lợi lớn bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, theo ông Vishnu Varathan - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Mizuho.

"Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng ở châu Á," ông Varathan nói. Tuy nhiên theo ông, Việt Nam cần phải củng cố lĩnh vực ngân hàng hơn nữa.

Đứng trước Vn-Index của Việt Nam trong danh sách các chỉ số chứng khoán châu Á tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay của CNBC là Karachi Stock Exchange 100 của Pakistan với mức tăng gần 23.19%. Đầu năm 2016, Pakistan được liệt vào Chỉ số MSCI Thị trường mới nổi - chỉ số chứng khoán phổ biến nhất thế giới của khối thị trường mới nổi - trong khi Trung Quốc bị từ chối.

Dưới thời của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, Pakistan đã tránh được cuộc khủng hoảng nợ với nước ngoài nhờ gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và những thỏa thuận đầu tư từ Trung Quốc. "Theo ước tính sơ bộ, tăng trưởng GDP năm tài chính 2016 của Pakistan sẽ lên cao nhất 7 năm ở 4,7%, dù con số này có khả năng bị hạ xuống 4,5%," giới phân tích tại Ngân hàng Standard Chartered cho biết.

Đứng thứ 3 trong danh sách là chỉ số Jakarta Composite của Indonesia với mức tăng 16,80%. Theo dự đoán của IMF, kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2016 trước khi tăng lên 5,3% vào năm tiếp theo, nhờ lĩnh vực tư nhân tăng cường chi tiêu và nhu cầu tiêu dùng của thị trường nước ngoài phục hồi.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản lại trở thành hai thị trường chứng khoán tệ hại nhất khu vực châu Á, với Shanghai Composite và Nikkei 225 trở thành hai chỉ số giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2016. Theo CNBC, chỉ số Shanghai Composite và Nikkei 225 đã lần lượt giảm 15,09% và 13,57% kể từ đầu năm đến nay. Thậm chí, chỉ số Shenzhen Composite, từng được vinh danh là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất châu Á vào năm 2015, cũng giảm 13,59% trong cùng kỳ.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị bán tháo mạnh ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1/2016. Sau đó, lo ngại xung quanh vấn đề trả nợ trong lĩnh vực tài chính lại càng khiến giới đầu tư lưỡng lự rót vốn vào chứng khoán Trung Quốc.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Trung Quốc dường như đã ổn định hơn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản, các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng ANZ nhận định.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản lại chịu áp lực lớn bởi đà tăng giá của yen từ sau khi ngân hàng trung ương nước này hạ lãi suất tiền gửi xuống dưới 0 vào tháng 1/2016. Theo đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm nay và tiếp tục chậm lại 0,6% vào năm tiếp theo.

Oanh Oanh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.