|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VNDirect: Giá dầu đang ở trong 'môi trường không thể đoán định'

10:39 | 22/03/2022
Chia sẻ
VNDirect cho rằng căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine, OPEC không đạt mục tiêu tăng sản lượng, Mỹ tăng sản lượng, Trung Quốc theo đuổi Zero COVID là những yếu tố gia tăng bất ổn cho thị trường năng lượng, giá dầu khó đoán định.

Trong báo cáo phân tích ngành dầu khí, CTCK VNDirect nhận định giá dầu đang ở trong "môi trường không thể đoán định". 

Cụ thể, sau khi chạm mức cao nhất 14 năm là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3, giá dầu Brent đã giảm gần 40 USD/thùng do những lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "zero COVID".

Hiện, có nhiều yếu tố làm gia tăng thêm những bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu. Thứ nhất là lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine. Bởi, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Saudi Arabia với sản lượng xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ (condensate) vào khoảng 5 triệu thùng/ngày.

Do đó, giá dầu sẽ tăng mạnh nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, điều có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với ngành năng lượng của Nga.

Hiện, đã có một số các biện pháp trừng phạt áp đặt lên ngành năng lượng của Nga, chẳng hạn như lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của Mỹ, hạn chế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga, hay việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Thứ hai, việc OPEC không đạt được mục tiêu tăng sản lượng trong nhiều tháng qua cũng khiến thị trường dầu thô thêm căng thẳng. Mặc dù, sản lượng của OPEC đã tăng trong tháng 2, nhưng thực tế OPEC vẫn đang bơm ít hơn so với thỏa thuận.

VNDirect: Giá dầu đang ở trong 'môi trường không thể đoán định' - Ảnh 1.

(Nguồn: VNDirect)

Thứ ba, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang tăng dần. EIA dự báo sản lượng dầu đá phiến tại bể Permian sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

VNDirect cho rằng việc sản lượng dầu thô của Mỹ tăng dần sẽ giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt của thị trường dầu thô vào cuối năm 2022. Ngoài ra, việc FED nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, lên mức gần 2% vào cuối năm nay cũng dự báo tác động đến thị trường dầu thô.

Thứ tư, chính sách thắt chặt tiền tệ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả hàng hóa, bao gồm giá dầu Trung Quốc tăng cường các biện pháp phong tỏa.

Sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron đã khiến nhà chức trách Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp phong tỏa, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Bởi, Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai, chiếm 15% tổng lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu.

Yếu tố cuối cùng là sự hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran. Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là giải pháp khả thi nhất để hạ nhiệt giá dầu trong ngắn hạn vì nó sẽ kéo theo sự trở lại của nhà xuất khẩu dầu thô Iran với sản lượng bổ sung lên tới 1 triệu thùng/ngày.

Một thỏa thuận tiềm năng để hồi sinh thỏa thuận năm 2015 hiện đã gần kề và các bên đang giải quyết những trở ngại cuối cùng liên quan đến mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Iran trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

VNDirect cho rằng giá dầu Brent sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn do các sự kiện bất ổn toàn cầu, sau đó dần tái cân bằng quanh mốc 100 USD/thùng trong vài tháng tới, khi căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt và nguồn cung dầu ngày càng tăng từ Iran, Mỹ và OPEC có thể bắt kịp nhu cầu. Đồng thời, giá dầu Brent trung bình năm 2022 sẽ ở mức 90 USD/thùng.

Hoàng Anh