Nhập khẩu xăng dầu tăng vọt trong tháng 3
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 3, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 583.143 tấn xăng dầu các loại, với trị giá 576,6 triệu USD, tăng 43,4% về lượng và tăng 66,8% về trị giá so với kỳ nhập khẩu trước đó (từ ngày 15/2 đến 28/2).
Như vậy, bình quân các doanh nghiệp đã nhập khẩu 38.876 tấn xăng dầu/ngày trong nửa đầu tháng 3 so với 31.292 tấn trong kỳ trước.
Nếu vẫn giữ được tiến độ này, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 3 có thể sớm vượt con số 747.510 tấn của tháng 2.
Đáng chú ý, trong số 4 chủng loại xăng dầu nhập khẩu (xăng, dầu Diesel, dầu Mazut, nhiên liệu bay), khối lượng nhập khẩu của mặt hàng xăng trong nửa đầu tháng 3 đã tăng gấp 3,4 lần so với kỳ trước, đạt 178.880 tấn. Lượng dầu Diesel và dầu Mazut cũng tăng mạnh và đạt lần lượt là 323.110 tấn và 44.058 tấn.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, ĐVT: nghìn tấn. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Trong nửa đầu tháng 3 giá xăng dầu nhập khẩu tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, giá xăng nhập khẩu đạt bình quân 1.100 USD/tấn, tăng 13,2% (tương đương 128 USD/tấn) so với kỳ xuất khẩu nửa cuối tháng 2; dầu Mazut và dầu Diesel tăng 95 – 100 USD/tấn, đạt 694 USD/tấn và 948 USD/tấn.
Đặc biệt giá nhập khẩu nhiên liệu bay tăng đến 289 USD/tấn, lên mức 1.177 USD/tấn.
Như vậy, tổng cộng từ đầu năm đến ngày 15 tháng 3, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu được 1,9 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 20% (tương ứng 320.338 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do giá xăng dầu thế giới tăng cao nên kim ngạch nhập khẩu xăng dầu đã tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái lên mức 1,7 tỷ USD.
Bên cạnh mặt hàng nhập khẩu chính là xăng và dầu diesel, các doanh nghiệp đã tăng rất mạnh nhập khẩu nhiên liệu bay trong bối cảnh từ ngày 15/3 Việt Nam đã mở cửa lại hoàn toàn với hoạt động du lịch, đánh dấu giai đoạn hồi sinh của du lịch Việt Nam sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trước đó, tại phiên chất vốn Quốc hội ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong 2 tháng đầu năm luôn được bảo đảm.
Trong tháng 3, với lượng cung ứng xăng dầu dự kiến khoảng 3 triệu m3 (gồm tồn kho từ tháng trước chuyển sang là 1,2 triệu m3; sản xuất trong nước là 1,2 triệu m3 và nhập khẩu khoảng 600 nghìn m3) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu (khoảng 1,8 triệu m3/tháng) và cho phép tồn kho gối đầu sang tháng 4.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước. Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã tăng 25 - 40%, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong điều kiện mới.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ 4 giải pháp để bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu.
Thứ nhất là tạo nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu kịp thời cho thị trường khi các yếu tố về nguồn từ trong nước và thế giới có diễn biến bất lợi.
Cụ thể, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp tăng công suất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn và khắc phục sự cố của Nghi Sơn. Đồng thời, tăng nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn thậm chí tính tới kịch bản Nghi Sơn ngừng hoạt động.
Thứ hai, điều tiết cung cầu, bổ sung nguồn hàng thiếu hụt cho các địa phương, cửa hàng thiếu hàng cục bộ.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu đặc biệt là hành vi "găm hàng, chờ tăng giá".
Giải pháp cuối cùng là điều hành giá theo hướng bám sát giá thế giới, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng và duy trì bán hàng liên tục trong hệ thống.