|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VNDirect chỉ ra 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế 2022, dự báo các chỉ tiêu vĩ mô năm tới

09:52 | 15/12/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia của VNDirect dự báo, 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế năm 2022 đến từ cầu nội địa, xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Theo báo cáo mới đây của VNDirect, các chuyên gia đánh giá, sau khi mất đà tăng trưởng vào quý III, kinh tế Việt Nam đang vận hành ở “trạng thái bình thường mới” với tỷ lệ phủ vắc xin cao và từng bước mở cửa với thế giới. 

Với độ phủ rộng rãi của vắc xin, các chuyên gia tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022.

Các chuyên gia của VNDirect dự báo GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện. Lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4%. 

Trong đó, nền kinh tế được thúc đẩy bởi 4 động lực chính, bao gồm: Cầu nội địa; Xuất khẩu; Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. 

Cầu nội địa phục hồi là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 

Theo báo cáo, cầu nội địa phục hồi là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

VNDirect chỉ ra 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế 2022 - Ảnh 1.

Nguồn: VNDirect.

Cụ thể, VNDirect kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. 

Tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm: Thu nhập thực của người dân được cải thiện, du lịch được hồi sinh, Chính phủ có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế,...

Xuất khẩu duy trì đà tăng tích cực

Bên cạnh đó, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu dự báo sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi. VNDirect kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao, tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ vào năm 2022. 

Dự báo trên dựa vào những lý do thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Dựa trên báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022, tăng từ mức dự báo 4,0% trong báo cáo trước đó và có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. 

Ngoài ra, Chi phí vận chuyển dự kiến sẽ dần bình thường hóa từ cuối năm 2021 do các biện pháp phòng chống COVID-19 được giảm thiểu nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao cũng như tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021.

Chi phí vận tải hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt là sang thị trường Mỹ và châu Âu.

VNDirect chỉ ra 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế 2022 - Ảnh 2.

Nguồn: VNDirect.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác vào năm 2022,...

Đối với nhập khẩu, các chuyên gia duy trì quan điểm rằng nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2022, do các yếu tố sau: (1) nhu cầu trong nước phục hồi đối với các sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu (2) nhu cầu cao về nguyên liệu và sản phẩm đầu vào trong bối cảnh hoạt động sản xuất phục hồi, (3) Giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu có thể vẫn ở mức cao trong năm 2022. 

Một số mặt hàng nhập khẩu sẽ có nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, bao gồm máy móc thiết bị, phụ liệu dệt may và giày dép, điện thoại và linh kiện, ô tô và sắt thép. Do đó, giá trị nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng 10,9% so với cùng kỳ vào năm 2022 và kỳ vọng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tăng lên 5,6 tỷ USD vào năm 2022 từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 0,3 tỷ USD vào năm 2021.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi vào năm 2022

Động lực thứ ba của nền kinh tế trong năm 2022 là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các chuyên gia của VNDirect tin rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022.

Sự phục hồi mạnh mẽ này nhờ vào những yếu tố, gồm: (1) Việt Nam có kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm 2022; (2) Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài trong chiến lược đa dạng hóa ''Trung Quốc + 1"; và (3) cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất tiến bộ với các đối tác lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... 

VNDirect chỉ ra 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế 2022 - Ảnh 3.

Nguồn: VNDirect.

Với những lợi thế đó, các chuyên gia kỳ vọng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 9-10% so với cùng kỳ và vốn FDI giải ngân tăng 8-9% so với cùng kỳ vào năm 2022.

Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là yếu tố quan trọng

Động lực thứ 4 chính là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đây là yếu tố quan trọng. Theo VNDirect, Việt Nam vẫn còn khá nhiều dư địa cho chính sách tài khóa.

Do lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp so với lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, các chuyên gia phân tích cho rằng Chính phủ có thể tung ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Các gói hỗ trợ sẽ tập trung vào việc trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế GTGT, thuế TNDN) và tăng vốn đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông và các dự án nhà ở xã hội. 

VNDirect chỉ ra 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế 2022 - Ảnh 4.

Nguồn: VNDirect.

VNDirect kỳ vọng rằng quy mô của gói hỗ trợ tài khóa mới bổ sung có thể ở mức 3-4% GDP (không bao gồm chi phí y tế bổ sung cho phòng chống dịch COVID-19) và sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2022.

Cùng với các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. 

Theo báo cáo của VNDirect, Chính phủ dự kiến chi 566.000 tỷ đồng cho đầu tư công vào năm 2022 ( tăng 10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021) để hỗ trợ phát triển. 

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có thể tăng 15-25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ điểm nghẽn về thiếu đá xây dựng đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép cho các mỏ mới, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng dự kiến sẽ hạ nhiệt trong năm tới và giải ngân vốn đầu tư công thực tế năm 2021 đạt thấp, chỉ bằng 85-95% kế hoạch cả năm. 

Ngoài ra, Chính phủ dự kiến sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công lớn trong năm 2022 như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam phí Đông, qua đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. 

Ngoài ra, 12 tiểu dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang được đề xuất chuyển sang hình thức đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Dự báo các chỉ tiêu vĩ mô 2022

VNDirect chỉ ra 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế 2022, dự báo các chỉ tiêu vĩ mô năm tới - Ảnh 5.

VNDirect chỉ ra 4 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế 2022, dự báo các chỉ tiêu vĩ mô năm tới - Ảnh 6.

Dự báo các chỉ tiêu vĩ mô 2022, VNDirect cho rằng nền kinh tế sẽ trở lại trạng lại “bình thường mới” năm tới với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. 

GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện. 

Các yếu tố nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại cao hơn, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.

Dự báo trên dựa trên các giả định nền kinh tế toàn cầu có thể duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022, 70 -75% dân số Việt Nam sẽ được tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19 trong quý đầu tiên của năm 2022; các chuyến bay quốc tế được nối lại từ quý I/2022 và Chính phủ sẽ ban hành gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn hơn và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022.

Phương Trang