|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giám đốc Phân tích SSI: Lạm phát dự báo tăng mạnh vào quý I, II/2022, có thể cao hơn 4%

17:52 | 09/12/2021
Chia sẻ
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích SSI dự báo lạm phát có thể tăng mạnh vào quý I, II năm 2022, tiệm cận mức 4%, thậm chí cao hơn nhưng đến cuối năm sẽ được kiểm soát.

Tại Diễn đàn Kinh doanh 2021: Con đường phía trước tổ chức ngày 9/12, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích của SSI cho biết tuy không chắc sẽ có kịch bản gì diễn ra với đại dịch, nhưng tình hình năm 2022 dự báo sẽ tích cực hơn so với năm 2021.

Nêu lý do đưa ra dự báo trên, bà Phương cho hay Việt Nam đã lọt top các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin khá cao. Ngoài ra, các hãng dược sau một thời gian đã có kinh nghiệm trong việc sản xuất vắc xin và thuốc cung ứng ra thị trường. Trong trường hợp biến chủng mới xuất hiện thì việc sản xuất, cung ứng đến các quốc gia sẽ tiến hành nhanh hơn. Đồng thời, y học tiến bộ cũng sẽ sớm có những loại thuốc trị COVID-19 và dễ dàng cung cấp cho toàn cầu.

"Với dự đoán như vậy, chắc chắn cũng sẽ không xảy ra giãn cách chặt chẽ như quý III/2021. Việc mở cửa cầm chừng, tuy chưa nhìn thấy mở cửa toàn diện ngay từ đầu năm, nhưng kỳ vọng điều này sẽ diễn ra nửa cuối năm 2022", Giám đốc Phân tích của SSI nói.

Giám đốc Phân tích SSI: Lạm phát dự báo tăng mạnh vào quý I, II/2022, có thể cao hơn 4% - Ảnh 1.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích SSI. (Ảnh: SSI).

Lạm phát có thể tăng mạnh vào quý I, II năm 2022

Về ba biến số chính của vĩ mô 2022 gồm lạm phát, lãi suất và động lực tăng trưởng, bà Phương cho hay giá nhiều mặt hàng quay trở lại với mức đỉnh lịch sử, điều này rõ ràng ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Phân tích nguyên nhân hàng hóa cơ bản ghi nhận mức tăng giá lớn, đại diện SSI nhận định nguyên nhân tạm thời chủ yếu liên quan đến đại dịch, đứt gãy nguồn cung, các nền kinh tế lớn mở trở lại rất nhanh, có hiện tượng mua sắm trả thù sau đại dịch. Những yếu tố này khiến chênh lệnh giữa cung và cầu lớn, dẫn đến sự tăng vọt trong giá, cộng thêm hoạt động đầu cơ tích trữ. 

Tuy nhiên bà Phương đánh giá việc này chỉ mang tính chất tạm thời, kéo dài trong một, hai quý và nguồn cung sẽ tăng trở lại đáp ứng cầu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân mang tính chất lâu dài là do cấu trúc của một số ngành mang tính chất khó gia tăng ngay lập tức công suất cung ứng

Bà Phương nêu ví dụ việc xây thêm một nhà máy thép, sản xuất thêm chiếc tàu mới cần nhiều thời gian hơn so với việc tăng nguồn cung ứng hay tăng công suất của một số ngành khác. Điều này dẫn đến giá sản phẩm dịch vụ của một số ngành khó quay trở lại mức cũ trong quá khứ.

Một yếu tố khác mà SSI cho rằng mức giá của hàng hóa khó quay trở lại mức cũ mặc dù có thể điều chỉnh giảm trong thời gian tới là liên qua đến nguồn cung ứng lao động.

"Phần lớn con số lao động bị thiếu hụt nằm ở các ngành dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, dịch vụ nhà ở. Đây là những ngành có mức lương tương đối thấp hơn so với ngành khác. Để thu hút lao động các ngành này quay trở lại làm việc thì các doanh nghiệp phải chấp nhận trả mức lương cao hơn so với trước đây", bà Phương phân tích.

Nói về tình hình lạm phát, bà Phương cho rằng dường như lạm phát chưa đến Việt Nam khi nhìn vào con số CPI công bố hiện tại, cũng như ước tính cả năm. SSI dự báo CPI năm nay chỉ đạt khoảng 1,8-2%, là mức thấp nhất trong 5 năm vừa qua.

Vì sao CPI của Việt Nam lại chênh lệch khá lớn so với CPI với các nước trên thế giới, bà Phương cho hay nguyên nhân do cấu trúc rổ hàng hóa của Việt Nam để tính CPI mang tính chất rất đặc thù, với 1/3 là lương thực thực phẩm, rất khác với rổ hàng hóa với quốc gia phát triển.

Một nguyên nhân khác nữa liên quan đến các gói kích thích đã thực hiện thời gian qua. Con số giải ngân thực tế chỉ đạt 2% GDP, trong khi các nước khác có thể lên đến 10% GDP, con số này khá khiêm tốn.

Về nhập khẩu lạm phát, rất may mắn nhờ cán cân thanh toán có mức thặng dư, nên tiền đồng tăng giá 2%, từ đó hạn chế bớt được nhập khẩu lạm phát.

Với khối doanh nghiệp, bà Phương cho rằng họ tuy đã thấy ảnh hưởng mức độ tăng của giá đầu vào, tuy nhiên khi đánh giá mức độ tiêu thụ tiêu dùng của thị trường, nhiều doanh nghiệp không chuyển hoàn toàn mức tăng của giá đầu vào sang giá đầu ra. SSI cũng dự báo trong những quý tới mức giá đầu vào sẽ phản ánh giá đầu ra.

Ngoài ra, bà Phương cũng nhấn mạnh kinh nghiệm của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát.

Dự báo năm 2022, SSI cho rằng lạm phát sẽ có mức tăng khá cao, so với con số hiện tại nhìn thấy vào cuối năm 2021. 

"Lạm phát có thể tăng mạnh vào quý I, II năm 2022, tiệm cận mức 4% của Chính phủ đề ra, thậm chí cao hơn nhưng đến cuối năm sẽ được kiểm soát, nằm trong mức dưới 4%", bà Phương nhận định.

Với bức tranh về lạm phát như vậy, dự đoán về lãi suất, SSI cho rằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp, nếu tăng trở lại cũng tăng không đáng kể.

"Quý III mức lãi suất cho vay giảm 60-70% điểm, việc lãi suất giữ được ở mức thấp như vậy thuận lợi cho sản xuất, cho cả thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.

Trước 2020, thanh khoản của thị trường chứng khoán đạt khoảng 150 - 400 triệu USD. Năm nay đã đạt thanh khoản 1,8 tỷ USD, điều này có sự góp phần lớn của môi trường lãi suất thấp", bà Phương nhấn mạnh.

Tăng trưởng năm 2022 dự báo tích cực, cần theo dõi nợ xấu ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp

Về tăng trưởng năm 2022, SSI nhấn mạnh kỳ vọng mức tăng trưởng cao hơn mức bình thường ghi nhận trước đại dịch. SSI cho rằng sự tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ là điểm nhấn hỗ trợ cho kinh tế VN, ngay trong ngắn hạn, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Ngoài ra, năm 2022 có một số sự kiện trông đợi như RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022, hay Mỹ thay đổi chính sách, không chỉ đưa các cơ sở sản xuất trở về nước mà dự kiến còn đưa về những nước thân thiện với Mỹ và Việt Nam có thể hưởng lợi từ chính sách này.

Yếu tố nữa liên quan đến động lực tăng trưởng là gói kích thích kinh tế Quốc hội sẽ bàn luận, thông qua vào đầu tháng 1 tới. Nền kinh tế đều đang chờ đợi quy mô của gói kích thích này và đây chắc chắn là một ấn số cho mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2022.

Bà Phương cho hay với những yếu tố trên, SSI nhìn nhận bức tranh tăng trưởng 2022 có những điểm khá tích cực.

"Bức tranh này thể hiện khá rõ qua con số tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết hiện tại ở mức 32,1% - con số rất cao.

Trong thời gian tới, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây sẽ là yếu tố kéo cho nền kinh tế phát triển trước, hoạt động tiêu dùng cần thời gian phục hồi trở lại.

Năm 2022, kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt mức tăng trưởng 13% về mặt lợi nhuận,  phần lớn sự tăng trưởng này rơi vào nửa cuối năm 2022", bà Phương nói thêm.

Nhận định rủi ro năm tới, SSI cho rằng cần theo dõi tình hình nợ xấu ngân hàng, đặc biệt sau thời gian giãn cách kéo dài, người đi vay bị ảnh hưởng lớn, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân có thu nhập thấp.

Theo ước tính Ngân hàng Nhà nước, cuối năm nay, con số nợ xấu và nợ tái cơ cấp đạt tối đa 7%. Con số thực tế sẽ biết vào giữa năm sau khi việc tái cơ cấu nợ không diễn ra nữa.

Rủi ro thứ hai là liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường này có tăng trưởng lớn trong thời gian qua. 

"Hiện tại, trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam không được xếp hạng tín nhiệm, với sự tăng trưởng mạnh như vậy, dù Bộ Tài chính đã có biện pháp kiểm soát, nhưng vẫn cần phải theo dõi thieo dõi rủi ro có thể có với thị trường này", đại diện SSI khuyến cáo.

Anh Đào

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).