VASS đề xuất gói hỗ trợ 666.000 tỷ trong hai năm cho 4 lĩnh vực ưu tiên, hơn 43% dành cho đầu tư công
Sáng 5/12, phát biểu tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, PGS.TS Bùi Quang Tuấn (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đại diện nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất tổng gói cứu trợ nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.
Đề xuất gói củng cố hệ thống y tế 76.000 tỷ đồng
Nhóm nghiên cứu cho rằng cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia.
Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo nguồn cung vắc xin rộng rãi cho cả nước, không chỉ mũi 2 mà cả mũi 3, mũi 4 trong thời gian tới; đồng thời, lên kế hoạch mua các loại thuốc điều trị COVID-19", ông Tuấn nói.
Cụ thể, theo ông Tuấn và nhóm nghiên cứu, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng.
Căn cứ của đề xuất này dựa trên báo cáo của bộ Y tế về các khoản chi y tế để ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, gồm những hạng mục chi như sau:
Chi cho phòng dịch, hỗ trợ lực lượng dân phòng, công an, quân đội...; chi hỗ trợ người nhiễm bệnh cách ly (xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chi trực tiếp cho điều trị bệnh nhân) khoảng 14.000 tỷ đồng; chi xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, mua vắc xin để thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân khoảng 32.000 tỷ đồng; chi nghiên cứu vắc xin, thuốc chữa bệnh khoảng 8,8 tỷ đồng; chi y tế cho phòng dịch và điều trị F0 khoảng 18.500 tỷ đồng.
Ông Tuấn đề nghị thứ tự ưu tiên của gói củng cố hệ thống y tế cần theo trọng tâm: Mua vắc xin và thuốc điều trị; nghiên cứu, chuyển giao sản xuất vắc xin, thuốc chữa, thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm trong nước; nâng cao năng lực điều trị cho tuyến y tế cấp xã, phường để điều trị được F0 ngay tại chỗ; đầu tư cho y tế dự phòng.
Gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng
Ông Tuấn cho rằng cần có gói an sinh xã hội khoảng 58.000 tỷ đồng. Các khoản mục hỗ trợ cụ thể gồm: Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho 4,1 triệu người lao động (số lượng lao động đào tạo trong khu vực nhà nước) với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng trong 6 tháng. Tổng mức hỗ trợ 36.900 tỷ.
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Mức hỗ trợ cho người nghỉ việc dưới 1 tháng là 1,855 trệu đồng, cho người nghỉ việc trên 1 tháng là 3,71 triệu đồng. Với ước tính tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2022 là 5% tương đương với tổng thất nghiệp dự báo 2,68 triệu người thì tổng mức hỗ trợ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Hỗ trợ người lao động ngừng việc (dành cho người bị cách ly, hoặc ở trong khu vực bị phong tỏa, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người. Nhóm nghiên cứu cho biết tổng mức hỗ trợ này căn cứ vào số người thực tế nên chưa tính toán hết được
Hỗ trợ người lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi, hoặc mang thai được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Dự kiến nhóm lao động này khoảng 7,4 triệu người nên tổng mức hỗ trợ là 7.400 tỷ đồng.
Hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/ngày cho bệnh nhân điều trị COVID-19 không quá 45 ngày (trong kịch bản 30000 ca nhiễm bệnh). Tổng mức hỗ trợ cho mục này là khoảng 3.888 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỷ đồng
Ông Tuấn cũng đề nghị cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn với gói hỗ trợ khoảng 244.000 tỷ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết.
Căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10/2021, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn 95.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm 27.000 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Như vậy, tổng hỗ trợ đã thực hiện là 122.000 tỷ đồng.
Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách hỗ trợ có thể tiếp tục cố gắng duy trì được mức này trong 2 năm 2022-2023. Lộ trình giải ngân 122.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2022-2023, tổng gói hỗ trợ là 244.000 tỷ đồng.
Gói đầu tư công quy mô 288.000 tỷ đồng
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất gói đầu tư công có quy mô là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023.
Theo lộ trình giải ngân được đề xuất, vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn được bổ sung thêm 50% trong 2 năm 2022 và 2023.
Nhóm nghiên cứu cho rằng mức tăng này không quá cao so với kế hoạch đầu tư công trung hạn, và có thể vẫn đảm bảo khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Như vậy, lộ trình giải ngân có thể chia đều theo năm, đạt 144.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2 năm 2022-2023, với tổng gói hỗ trợ là 288.000 tỷ đồng.