Ông Nguyễn Thành Phong: Thiệt hại kinh tế 2 năm có thể đến 500.000 tỷ, đề xuất chú trọng vào xuất khẩu, thu hút đầu tư
Thiệt hại kinh tế 2 năm có thể đến 500.000 tỷ
Tại phiên tọa đàm cấp cao thảo luận giải pháp phục hồi kinh tế trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng 5/12, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết nếu năm 2020-2021 không có đại dịch, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đến 7%, nhưng trong năm 2021 dự kiến chỉ tăng 2,5%.
"Nếu tính toán thiệt hại trong năm 2020, giá trị thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng, 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng. Tổng 2 năm cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng, nếu tính giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD", ông nói.
Về các động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu, ông Phong nhấn mạnh đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng là điều kiện tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư công nghệ số.
Phân tích thêm, ông cho biết với một nước đang phát triển như Việt Nam thì khai thác thị trường nội địa sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh. Do quy mô thị trường nội địa nhỏ và tăng chậm, vì vậy muốn tăng nhanh thì phải khai thác thị trường thế giới.
Theo kinh nghiệm của các nền kinh tế đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì tăng trưởng nhanh đều phải dựa vào tăng trưởng xuất khẩu, và tăng tiết kiệm để tăng đầu tư. Thêm vào đó tăng tiêu dùng nội địa quá mức sẽ làm giảm tiết kiệm qua đó giảm đầu tư hoặc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài (như trường hợp Mexico).
Vì vậy, đối với nước như Việt Nam thì chỉ nên khuyến khích tiêu dùng nội địa vừa phải mà chủ yếu là nên khuyến khích đầu tư.
Nên kích cầu vào đâu?
Để giảm thiệt hại cho nền kinh tế, ông Phong cho rằng cần nhanh chóng tìm ra biện pháp, cách thức phục hồi đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Để phục hồi động lực tăng trưởng, quan trọng nhất là phục hồi nhu cầu đầu tư trên cả ba mặt: đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Các gói kích thích kinh tế cần phải tập trung chủ yếu vào các yếu tố này.
Ông Phong nhận định gói kích thích kinh tế (tăng chi tiêu từ ngân sách) của Việt Nam nếu thực hiện khoảng 3% GDP thì có thể đảm bảo trong trung hạn các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô có thể quay lai mức bình thường.
Bên cạnh đó, đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm và hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trì trệ.
Đặt vấn đề kích cầu vào đâu, ông Phong nêu vấn đề Việt Nam là nước có tỷ lệ nhập khẩu lên đến hơn 100% GDP và xuất khẩu cũng có tỷ lệ tương tự. Như vậy nếu gói kích cầu tiêu dùng rất dễ bị chảy ra nước ngoài thông qua hàng nhập khẩu làm cho hiệu quả gói kích cầu kém hiệu quả.
Tổng cầu Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào cầu xuất khẩu khi xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP. Trong khi các đối tác lớn của Việt Nam đều đang thực hiện các gói kích cầu lớn nên nhu cầu nhập khẩu cao. Vì vậy hiệu quả nhất của gói kích cầu đó là thực hiện các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu (giảm chi phí logistics, hỗ trợ chi phí phòng dịch, đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động 100% công suất, tăng cường năng lực thông quan, xây dựng nhà ở công nhân tập trung,...
Ông Phong nhấn mạnh xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để gieo kỳ vọng, niềm tin cho nhà đầu tư trong nước. Khi xuất khẩu cao, đầu tư tăng, mặc dù kinh tế khó khăn thì niềm tin giới đầu tư và khả năng phục hồi sẽ nhanh chóng.
Chẳng hạn giai đoạn 2011-2015, Việt Nam khá bất ổn về kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng, nợ xấu mạnh, nợ công, thâm hụt ngân sách lớn nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao trong khu vực. Vì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong giai đoạn này đạt 17,5% và vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,54%.
"Do đó, việc xuất khẩu và thu hút đầu tư trong nước rất quan trọng. Nhưng đầu tư Nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt tạo nền tảng thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tư nhân phát triển", ông nhìn nhận.
Thứ hai, theo ông Phong, đó là kích cầu tiêu dùng. Người nghèo là những người tiêu dùng hàng trong nước là chủ yếu và ít tiêu dùng hàng nhập khẩu. Ông cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người nghèo, đặc biệt nhân dịp Tết và đây sẽ là một động lực cực kỳ quan trọng để đẩy mạnh sản xuất hiện nay.
Thứ ba, ông cho rằng các gói hỗ trợ cần tập trung khắc phục những vấn đề bộc lộ của nền kinh tế mà đã lâu nay vẫn chưa thực hiện được.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/