|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất nâng trần nợ công, ban hành nhiều gói hỗ trợ mới

11:12 | 08/11/2021
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong phiên thảo luận là các chính sách cũng như gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Tuy nhiên nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng, việc tiếp cận gói hỗ trợ còn khó khăn, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn.

Đại biểu đề xuất cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ. 

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông nhấn mạnh Việt Nam còn nhiều dư địa để nghiên cứu đưa ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa rộng rãi bằng việc nâng trần nợ công nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chỉ tiêu vĩ mô.

Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết đợt bùng phát dịch thứ 4 tiếp tục để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương vì không còn việc làm và khoản tiết kiệm cũng không đủ để cầm cự nơi đô thị. 

Bà đề nghị Quốc hội tạo mọi điều kiện cho Chính phủ chống dịch, bên cạnh đó cần thêm chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, người lao động trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ cần tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ.

Bà cho rằng nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và nhiều việc làm bị mất đi.

Về việc khôi phục, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu. Cơ quan quản lý cần cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Khâu kiểm tra, giám sát phải thực chất, không gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Tây Ninh cũng cho rằng sức chống chịu của nền kinh tế doanh nghiệp, người dân không cho phép giãn cách xã hội dài ngày, trên phạm vi rộng, rõ ràng việc mở cửa trở lại nền kinh tế là hết sức cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên , ông cho rằng tốc độ, phạm vi mở cửa đến đâu, điều kiện về phòng, chống dịch phải đáp ứng đến đó như ý thức chấp hành của người dân, độ bao phủ vắc xin, nguồn cung thuốc men, trang thiết bị y tế, năng lực cơ sở khám chữa bệnh…

Ông đề nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao ý thức người dân, tăng cường ngoại giao vắc xin, thúc đẩy phát triển vắc xin trong nước đảm bảo tự chủ phòng chống dịch. Ông cũng đề nghị cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo nguồn lực cho phát triển, vừa kiềm chế lạm phát.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất sớm phủ vắc xin cho người dân tại điểm du lịch. Ông Quân nhấn mạnh du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2021 đã giảm 97% so với cùng kỳ, tình hình du lịch trong nước cũng không khả quan hơn khi nhu cầu đi lại của người dân giảm rõ rệt. 

Ông đề nghị nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch, từ xúc tiến quảng bá cho đến định vị thị trường, mục tiêu, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, hàng hóa, sản phẩm.

Đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, người dân, người lao động tại các điểm du lịch cần sớm được tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn khi mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế.

Anh Đào