|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp suy kiệt, 'ngóng' gói phục hồi kinh tế từng ngày

07:54 | 05/11/2021
Chia sẻ
Trải qua gần hai năm đối mặt làn sóng COVID-19, đặc biệt là sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu đi rất nhiều. Khối doanh nghiệp, các chuyên gia mong muốn Ngân sách Nhà nước mạnh dạn chi cho các gói hỗ trợ với cách tiếp cận đơn giản hơn.

Kinh tế hồi hộp chờ đợi gói hỗ trợ quy mô lớn

Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng cần thiết triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh. 

Trước đó hồi đầu tháng, trong buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ có gói hỗ trợ lớn hơn để tái thiết kinh tế.

Giảm hơn 90% doanh thu, doanh nghiệp 'ngóng' gói phục hồi kinh tế từng ngày - Ảnh 1.

Khách Tây tham quan TP HCM hồi tháng 2/2020. (Ảnh: Thanh niên).

Chia sẻ với người viết về kỳ vọng gói phục hồi kinh tế quy mô lớn hơn, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, cho hay hiện doanh nghiệp đang giảm hơn 90% doanh thu; cắt giảm 60% nhân sự (40% còn lại chỉ hưởng lương cơ bản).

Hơn ai hết, doanh nghiệp du lịch mong muốn gói kích thích kinh tế nhanh chóng được triển khai để giúp nền kinh tế phục hồi, thu nhập người dân cải thiện, doanh nghiệp được "cứu sống".

Ông Hoan cho biết, nếu quy mô của gói lớn hơn thì sẽ có tác động rất lớn tới nền kinh tế. Vừa qua, các gói hỗ trợ vẫn tập trung vào chính sách an sinh xã hội nhiều hơn kích thích kinh tế. Hơn nữa, gói kích thích phát triển kinh tế của Việt Nam so với GDP vẫn thấp hơn nhiều nước.

Vì vậy, đại diện Flamingo Redtours kỳ vọng gói kích thích kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành du lịch. Cụ thể, khi kinh tế phát triển, nhu cầu giao thương đi lại và tiêu dùng tăng, người dân sẽ sử dụng dịch vụ của ngành du lịch.

"Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, vì vậy chỉ khi nào thu nhập của người dân cải thiện, mức sống tăng cao thì chúng tôi mới phát triển được", ông Hoan kỳ vọng.

Góp ý về những hỗ trợ trực tiếp, Tổng giám đốc công ty Flamingo Redtours, cho hay hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa khi doanh nghiệp suy giảm tới 90% doanh thu, trong khi các khoản giảm thuế VAT; giãn đóng bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp chỉ có thời hạn nhất định, chưa đủ để vực dậy doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Flamingo Redtours kiến nghị, các gói hỗ trợ tới đây cần kéo dài thời gian hỗ trợ tới khi hết dịch hoặc thị trường hồi phục từ 3 - 6 tháng. Đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp phục hồi.

Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, việc mở rộng quy mô các gói hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó COVID-19 là cần thiết. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng, hoặc hơn nữa để giải quyết các khó khăn trong hiện tại và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Do vậy, ông Phòng kiến nghị: Chính phủ cân nhắc ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá. Với tình thế "sống còn", tình trạng "kiệt quệ" hiện nay các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách trực tiếp với mức độ mạnh hơn nữa.

Đề xuất chi mạnh tay và thực chất

Nhìn nhận đây là thời điểm "đúng lúc" nhất Ngân sách Nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ doanh nghiệp, để "cứu" nền kinh tế, thực chất cũng là cứu mình, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh nếu không, nền kinh tế vẫn khó phục hồi, có thể lại bỏ mất thời cơ.

Giảm hơn 90% doanh thu, doanh nghiệp 'ngóng' gói phục hồi kinh tế từng ngày - Ảnh 2.

Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV tổng hợp. Biểu đồ: Dương Thùy.

Nhưng để có hiệu quả tác động mạnh hơn, trong điều kiện sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm mạnh, để các doanh nghiệp có thể đứng dậy được và "xốc tới" chứ không phải "lom khom hồi phục", các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng cần mạnh dạn hơn.

Ông Thiên cho rằng những chính sách, biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, lãi suất, nợ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng áp dụng khá hiệu quả thì tiếp tục được duy trì, thậm chí cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.

Sức lực của các doanh nghiệp hiện đã suy yếu hơn nhiều so với cách đây một năm. Để vực dậy, rõ ràng cần sự hỗ trợ mạnh hơn gấp bội và phải thật nhanh chóng để đảm bảo tính kịp thời. Sự hỗ trợ đó cũng cần tính đến một quãng thời gian phục hồi thích đáng sau dịch thì các doanh nghiệp mới có thể trở lại trạng thái bình thường, chưa nói là bình thường mới.

Liên quan đến tiền tệ, đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, PGS.TS. Trần Đình Thiên lưu ý, đây sẽ là câu chuyện gay gắt nhất cho quá trình phục hồi kinh tế. Lúc này dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất kém, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đặt ra bức bách, thậm chí là sinh tử.

Trong tình thế kinh tế khó khăn, các ngân hàng rất khó chấp nhận rủi ro để cho các doanh nghiệp này vay vốn. Nguy cơ doanh nghiệp không gượng dậy được vì thiếu vốn đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro của nền kinh tế. 

"Chúng ta cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề này. Theo đó, cần thành lập mới Quỹ Bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước, tức là nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay", ông Thiên đề xuất giải pháp.

Về dư địa chính sách tài khóa trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính -  tiền tệ quốc gia đặt giả định gói hỗ trợ đủ lớn theo 2 kịch bản. Kịch bản 1: Gói hỗ trợ trị giá 80.000 tỷ đồng (khoảng 1% GDP đã điều chỉnh năm 2020).

Kịch bản 2: Gói hỗ trợ 160.000 tỷ đồng (khoảng 2% GDP đã điều chỉnh năm 2020); thực hiện ngay từ quý IV/2021 đến hết năm 2022 hoặc giữa năm 2023.

Về dư địa chính sách tiền tệ, tín dụng, ông Lực đánh giá điều kiện thị trường tiền tệ - ngân hàng hiện khả quan hơn giai đoạn trước do lạm phát ổn định ở mức thấp nhất, năng lực tài chính, sức chống chịu của ngành ngân hàng đã tốt hơn nhiều, nợ xấu gia tăng nhưng cơ bản trong tiền lượng và tầm kiểm soát.

Quan trọng hơn, ông Lực lưu ý hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ. Đánh giá về các chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, vị chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tiến độ triển khai hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm (nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng – tương đương 6% hết tháng 9/2021).

Dương Thùy

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.