|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trong khi phục hồi kinh tế chưa đi vào quỹ đạo, Việt Nam vẫn lo nguy cơ này ập đến bất cứ lúc nào

11:01 | 22/10/2021
Chia sẻ
Việt Nam đối mặt với thách thức vừa ổn định việc tái mở cửa, thích nghi với trạng thái bình thường mới, vừa phải cảnh giác vì dịch có thể bùng lại bất cứ lúc nào.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Khi dịch bệnh được kiểm soát, cả nước tạm thời không giãn cách xã hội, bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. 

Tuy nhiên trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị COVID-19, virus vẫn có thể tiến hóa thành các chủng mới nguy hiểm hơn và vắc xin giảm hiệu quả phòng bệnh theo thời gian, nguy cơ làn sóng dịch mới vẫn rình rập. Việt Nam đối mặt với thách thức vừa ổn định việc tái mở cửa, thích nghi với trạng thái bình thường mới, vừa phải cảnh giác vì dịch có thể bùng lại bất cứ lúc nào.

Trong khi phục hồi kinh tế chưa đi vào quỹ đạo, Việt Nam vẫn lo nguy cơ này ập đến bất cứ lúc nào - Ảnh 1.

Làn sóng dịch thứ 4 đã được kiểm soát trên cả nước. (Ảnh: PLO).

Từ cuối tuần qua đến nay, những lo lắng về dịch bệnh đổ dồn về Phú Thọ, Thanh Hóa và mới đây là Nam Định khi ba địa phương này ghi nhận nhiều ca nhiễm mới. Trong nhiều tháng qua, ba nơi này gần như sạch bóng COVID-19 và không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Ở Phú Thọ, từ ngày 13/10 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 195 ca COVID-19. Số ca nhiễm tại đây đang tăng nhanh do bùng phát chuỗi lây nhiễm từ trường học, chưa xác định được nguồn lây ban đầu. Hiện, thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học do liên quan đến các ca bệnh.

Ngoài Phú Thọ, Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và một xã ở Nam Định cũng ghi nhận nhiều ca mắc mới trong những ngày qua.

Mới đây tại buổi trao đổi với chủ đề "Đánh giá tình trạng kinh tế Việt Nam 2021 và dự báo những rủi ro trong năm 2022", TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng các nước hiện đang đi vào quỹ đạo phục hồi tương đối ổn định, tỷ lệ phủ vắc xin tương đối cao để có thể tự tin mở cửa, trong khi đó Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn.

Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào đầu tháng 10, khi TP HCM – tâm dịch lớn nhất cả nước công bố kế hoạch nới lỏng giãn cách. Ngay sau đó là hàng loạt các kế hoạch mở cửa được ban hành bởi các địa phương, bộ ban ngành như Bộ Giao thông Vận tải nối lại đường bay nội địa, chạy lại xe khách liên tỉnh, các tỉnh thành khôi phục du lịch, các chốt kiểm soát dần được gỡ bỏ. 

Các kế hoạch ngày càng một rõ ràng và chi tiết hơn sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Bộ Y tế cho biết không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.

Việc dịch bùng phát lặp lại trong năm đã làm nền kinh tế bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường lao động bị xáo trộn, doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề. Vì thế việc mở cửa kinh tế, giải cứu doanh nghiệp là cấp thiết.

Cũng giống như các nước khác, trong quá trình mở cửa, Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch bùng lại bất cứ lúc nào.

Nhìn sang kinh nghiệm các nước, gần nhất là Singapore – nước đi đầu ở Đông Nam Á về mở cửa trở lại nền kinh tế đã phải tạm hoãn kế hoạch nới lỏng hạn chế sau khi số ca mắc mới tại đây thường xuyên ở mức 3.000 ca mỗi ngày. Theo CNN, quốc đảo sẽ gia hạn các hạn chế thêm một tháng nữa sau khi ghi nhận 18 ca tử vong vì COVID-19 vào hôm qua – con số cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Còn tại châu Âu, COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều nước. Anh – nước đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch ghi nhận số ca mới và tử vong đang tăng nhanh trong vài tuần gần đây khi mùa đông đến gần. Hiện, số ca mắc mới mỗi ngày đang tiến sát mốc 50.000. Theo thống kê của Đại học Oxford, nước Anh đang có trung bình 667 ca mắc COVID-19 trên mỗi 1 triệu dân mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức 80 của Pháp hay 147 của Đức – hai quốc gia đều áp dụng một số biện pháp kiểm soát COVID-19.

Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, hôm nay Bộ Y tế chính thức công bố đánh giá cấp độ dịch bệnh của 63 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 26 tỉnh xanh, 37 tỉnh vàng, không có tỉnh cam và đỏ. Như vậy có thể thấy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tạo tiền đề cho mở cửa, phục hồi kinh tế.

Dù vậy, các chuyên gia y tế cũng đánh giá nguy cơ dịch bùng phát trở lại là vẫn còn. Do đó, các địa phương sẽ phải luôn cảnh giác và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nhất là khi tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin còn thấp.

Trong khi phục hồi kinh tế chưa đi vào quỹ đạo, Việt Nam vẫn lo nguy cơ này ập đến bất cứ lúc nào - Ảnh 2.

Triển vọng hồi phục kinh tế do vậy phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. (Ảnh: Thanh niên).

Trao đổi với Zing hôm 18/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát vẫn cao và rất khó lường. Tuy nhiên ông nhận định đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có sự cảnh giác, kinh nghiệm cũng như năng lực trong phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, việc một đợt dịch tiếp theo bùng lên và gây ảnh hưởng lớn như vừa qua là khó có thể xảy ra.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng những nơi chưa bùng phát dịch và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin còn thấp vẫn sẽ có nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 tiếp theo. Song, ông dự báo sự gia tăng ca nhiễm sẽ không quá lớn.

Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 10, SSI Research lưu ý khả năng sẽ có đợt bùng phát COVID-19 tiếp theo ảnh hưởng tới tiến độ mở cửa trở lại nền kinh tế và dự báo GDP quý IV khó quay lại mức tăng trưởng cao ngay lập tức.

Trong hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay mà VESS mới công bố, ở kịch bản thấp, tổ chức này cũng đề cập đến việc dịch bệnh có khả năng tái phát ở một số địa phương, dẫn tới việc phải thực hiện hạn chế đi lại. Nếu điều này xảy ra, kết hợp với giả định chính sách tiếp tục thiếu đồng bộ, tình trạng "đóng – mở" lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm tăng tính bất định cho sản xuất, thì nền kinh tế sẽ gần như không tăng trưởng.

Đồng quan điểm, VEPR cũng cho rằng nếu bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát trong khi Việt Nam chưa thống nhất được chiến lược ứng phó một cách hiệu quả giữa các tỉnh thành, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt khoảng 1 – 1,5%. VEPR nêu quan điểm triển vọng hồi phục kinh tế do vậy phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống dich bệnh nhấn mạnh Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được trong năm 2021-2022, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

Vì thế Chính phủ xác định phòng dịch là chiến lược, thường xuyên, lâu dài, tếp tục nhập khẩu vắc xin và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo.

Anh Đào