Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đơn giản hoá điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ
Để tiếp tục thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 một cách hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cùng với các hiệp hội doanh nghiệp/hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và các bên liên quan phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn để doanh nghiệp vượt qua những thách thức, đang đối mặt và có thể sẽ gặp phải trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước đơn giản hóa các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai có hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đề xuất Bộ Công an chú trọng và phối hợp tích cực với Bộ Tài nguyên và Môi trường kết nối, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (về chủ sử dụng đất) và các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường khác (thông tin liên quan đến công dân); kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai (quốc gia, địa phương) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh thị trường sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất và do đó cắt giảm lao động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các địa phương tham khảo các thực tiễn tốt trong triển khai chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị xã (DDCI) và các sáng kiến cải cách về thu hút đầu tư, kinh doanh để nâng cao hiệu quả của chính quyền trong điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đông cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn.
"Tổ công tác triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiếp tục theo dõi, tập hợp các phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, các sáng kiến và kiến nghị từ tất cả các bên liên quan; phân tích, đánh giá và phân loại; từ đó hình thành các đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ", Thứ trưởng Đông cho biết.
Đặc biệt, với các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cần chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách; chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết số 02/NQ-CP đã được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương và củng cố thêm niềm tin về triển vọng phục hồi.
"Tuy vậy, bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó đoán định, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Sang năm 2023, nhiều tổ chức cũng dự báo kinh tế nước ta thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn", Thứ trưởng nhấn mạnh.