Chính phủ yêu cầu NHNN đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất, sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 9/2022 trong đó tập trung vào các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.
Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, lạm phát ở nhiều quốc gia, khu vực tăng mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Để hoàn thành những mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp, gồm:
NHNN đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 2%, bán can thiệp khi cần thiết
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phối hợp đồng bộ các công cụ, giải pháp về tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng.
Đồng thời, NHNN phải điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong, ngoài nước; phối hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ cũng như chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu, có giải pháp phấn đấu ổn định hoặc giảm chi phí, lãi suất cho vay.
Bộ Tài chính rà soát cắt giảm thuế, phí
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Với riêng mặt hàng xăng dầu, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững,...
Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát, nắm chắc tình hình diễn biến quốc tế, trong nước, tăng cường phân tích, dự báo, chủ động có giải pháp phù hợp và phản ứng chính sách kịp thời trước những biến động tình hình quốc tế, trong nước,...