|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS.TS Phạm Thế Anh: Nếu thị trường thấy Fed phản ứng 'yếu ớt', họ sẽ kỳ vọng lạm phát còn tăng nữa

14:52 | 04/10/2022
Chia sẻ
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nếu như thị trường nhìn thấy Fed phản ứng “yếu ớt” hoặc “không cương quyết” trong hành động, họ sẽ kỳ vọng lạm phát còn tăng nữa. Do đó, việc Fed cứng rắn trong việc tăng lãi suất nhìn từ góc độ kinh tế là một yếu tố tích cực.

Ngày 22/9 (theo giờ Việt Nam), sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay kéo biên độ lãi suất cơ bản được nâng lên trong khoảng từ 3 - 3,25%, cao nhất tính từ tháng 1/2008.  

Mặc dù liên tục tăng mạnh lãi suất, song theo các chuyên gia, Fed có thể sẽ tăng lãi suất lên mức 4,4% vào cuối năm nay thay vì dự báo 3,25 - 3,5% trước đó nếu lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao.

Mặc dù, việc Fed tăng lãi suất gây tác động không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, nhìn từ góc độ kinh tế, động thái này không hẳn là xấu.

Trong năm nay, Fed đã tăng lãi suất cơ bản 5 lần trong năm nay, từ mức gần 0 lên mức hơn 3% và tuyên bố rất cứng rắn về việc tiếp tục tăng lãi suất cơ bản nếu lạm phát còn ở mức cao. Dĩ nhiên, lạm phát được kiểm soát, Fed sẽ điều hành lãi suất theo hướng nhẹ tay hơn.

Lạm phát tại Mỹ đang ở vùng cao nhất nhiều thập kỷ. 

Phân tích về động thái của Fed, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, mức tăng 0,75 điểm % của Fed là điều mà thị trường đã dự đoán được, tuy nhiên, những động thái tiếp theo còn là ẩn số.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn về việc tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai. Điều này sẽ gây nhiều tác động đến thị trường tài chính trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, đứng ở góc độ kinh tế, việc Fed tăng lãi suất lại mang ý nghĩa tích cực trong việc chống lạm phát.

 Đồ hoạ: Hạ An

Ông Thế Anh cho rằng, một trong những yếu tố làm tăng lạm phát là sự kỳ vọng. Nếu như thị trường nhìn thấy Fed phản ứng “yếu ớt” hoặc “không cương quyết” trong hành động của mình, họ sẽ kỳ vọng lạm phát còn tăng nữa.

"Ngược lại, khi Fed phản ứng rất cứng rắn như việc tăng lãi suất để đẩy lùi lạm phát thì yếu tố kỳ vọng sẽ giảm bớt dẫn đến lạm phát thực tế giảm", ông Thế Anh nói.

Theo chuyên gia, nếu như Fed cứng rắn trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, những người lao động sẽ chấp nhận mức lương phù hợp ở mức lạm phát hiện tại mà không đòi hỏi quá cao do bớt tâm lý lo ngại lạm phát.

Hoặc nếu các doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán nguyên liệu tại thời điểm này, họ sẽ chỉ chấp nhận giá cả tăng theo lạm phát ở mức phù hợp chứ không cao trên 9-10%. Bởi họ tin rằng sự kiên quyết của Fed trong điều hành lãi suất sẽ giúp "tiêu diệt" lạm phát.

Ngược lại, nếu Fed không cương quyết, người lao động hay nhà cung cấp nguyên vật liệu lo ngại lạm phát tăng cao, họ sẽ không dễ dàng chấp nhận mức lương hay mức giá cả trong tương lai chỉ tăng nhẹ".

CPI tháng 9 của Việt Nam tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ. 

Với Việt Nam, sự liên thông giữa kinh tế trong nước và thế giới thông qua lãi suất của Fed đương nhiên là có và tác động tiêu cực. Mặc dù, việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo từ trước nhưng vẫn mang nhiều tác động tiêu cực do sức ép mất giá đồng tiền Việt, tỷ giá tăng khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu ký hợp đồng bằng USD sẽ phải chịu chi phí cao hơn.

Với thị trường tài chính, nguy cơ dòng vốn rút khỏi thị trường Việt Nam về Mỹ trú ẩn vào các tài sản an toàn. Nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn như Mỹ hay châu Âu cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.

Để tác động ở mức thấp nhất tới kinh tế Việt Nam, theo chuyên gia Phạm Thế Anh, với các động thái như việc tăng lãi suất, chính sách tiền tệ phải linh hoạt để làm dịu bớt những tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính trong nước.

"Trước khi nghĩ đến việc tăng lãi suất thì cần sử dụng một số vùng đệm có thể dùng đến như dự trữ ngoại hối hay tỷ giá đề làm giảm bớt sự truyền tải tác động tiêu cực từ thế giới vào Việt Nam", ông Thế Anh khuyến nghị.

Bên cạnh đó, không được làm căng thẳng thanh khoản hệ thống. 

"Nếu như Việt Nam kiểm soát các yếu tố chi phí cơ bản trong nền kinh tế, đây cũng sẽ là một vùng đệm quan trọng để không phải tăng lãi suất. Có thể hạ lạm phát trong nước xuống thông qua các chính sách thuế với xăng dầu hay các nguyên liệu cơ bản khác. 

Ngoài ra, việc sử dụng các nguồn lực hiện có để hỗ trợ doanh nghiệp, tiết giảm tối đa sự tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất của Fed cũng giúp làm một vùng đệm để không phải tăng lãi suất.

Đồng thời, cần khơi thông nguồn vốn khác cho doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt nếu cổ phiếu, trái phiếu cũng bị nghẽn lại sẽ khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn.

Từ nay đến cuối năm, chắc chắn Fed sẽ còn tăng lãi suất, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều làn sóng ảnh hưởng tiêu cực từ động thái này. Do đó, ông Thế Anh nhấn mạnh cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chuẩn bị các vùng đệm để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thiểu tác động đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thế Anh cũng chỉ ra rằng, thực tế đáng mừng là đỉnh của lạm phát thế giới đã qua rồi và đang trong xu thế suy giảm, mức độ xuống chậm hay nhanh đến đâu thì chưa thể khẳng định ngay được thế nhưng chắc chắn đang giảm. 

Hạ An