|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Lạm phát toàn phần trong quý IV có thể lên tới 5,2%'

07:37 | 03/10/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Maybank cho rằng trong những tháng còn lại, lạm phát có khả năng tăng cao hơn nữa do áp lực nhu cầu tăng lên khi nền kinh tế phục hồi, mặc dù được bù đắp một phần bằng cách giảm chi phí dầu và lương thực toàn cầu cũng như việc Chính phủ sắp giảm thuế nhiên liệu.

Trong báo cáo mới công bố ngày 30/9, Chứng khoán Maybank giữ nguyên dự báo lạm phát toàn phần năm 2022 và 2023 lần lượt ở mức 3,4% và 3,6%, ước tính lạm phát toàn phần trong quý IV sẽ khoảng 5,2%. 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,4% so với tháng trước.

 

Các chuyên gia tại Chứng khoán Maybank cho rằng lạm phát tăng nhanh phần lớn do giáo dục (chiếm 6,2% trong rổ tính CPI) và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm 18,8% trong rổ tính CPI).

Chi phí giáo dục tăng vọt 8,4% (so với -0,6% trong tháng 8; tăng 5,8% so với tháng trước), do học phí tăng vào đầu năm học mới và việc miễn giảm học phí do dịch hết hi ệu lực.

Chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,4% (so với 1,4% trong tháng 8; tăng 0,9% so với tháng trước) do giá thuê tăng 8,2% so với tháng trước do nhu cầu thuê cao vào đầu năm học mới.

Giao thông vận tải (chiếm 9,7% trong rổ tính CPI) tăng chậm lại còn 6,7% (tháng 8 tăng 8,9%) do giá nhiên liệu trong nước cùng với giá dầu thế giới hạ nhiệt.

Bộ Tài chính ngày 23/9 cho biết đang đề xuất Chính phủ cắt giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu và 20% hoặc 50% thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu để ki ềm chế lạm phát.

Ước tính CPI bình quân sẽ thấp hơn 0,1 - 0,15 điểm % nếu thuế suất mới có hiệu lực trong nửa năm bắt đầu từ tháng 11.

Lương thực và dịch vụ ăn uống (chiếm 33,6% trong rổ tính CPI) tăng lên 3,7% (tháng 8 tăng 3,3%) do chi phí đầu vào cao và thời tiết thất thường tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất. Giá thịt lợn ( -0,5% so với tháng trước) và giá gạo (-0,2% so với tháng trước) là những ngoại lệ do nguồn cung trong nước dồi dào.

Lạm phát ăn uống tăng lên 6,6% (tháng 8 tăng 6,3%) do các cửa hàng ăn uống chịu áp lực từ chi phí nguyên liệu thô cao hơn trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh.

 

Lạm phát ngành văn hóa, thể thao và giải trí (chiếm 4,6% trong rổ tính CPI) so với tháng trước ở mức 4,8%.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh bù đắp lượng khách nước ngoài sụt giảm sau khi kết thúc mùa du lịch cao điểm.

Lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí vận chuyển và thực phẩm) tăng lên 3,8% từ 3,1% trong tháng 8, tăng 0,5% so với tháng trước.

Chứng khoán Maybank cho rằng trong những tháng còn lại, lạm phát có khả năng tăng cao hơn nữa do áp lực nhu cầu tăng lên khi nền kinh tế phục hồi, mặc dù được bù đắp một phần bằng cách giảm chi phí dầu và lương thực toàn cầu cũng như việc Chính phủ sắp giảm thuế nhiên liệu. 

Hồng Hà