|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất chuyển gói hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang hỗ trợ miễn giảm thuế phí

13:51 | 27/10/2022
Chia sẻ
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cũng như, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sáng 27/10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP HCM đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cũng như, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn.

Theo Đại biểu Ngân, đề xuất này sẽ hỗ trợ một cách thiết thực và nhanh chóng đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Nguyên nhân của việc chuyển đổi này là hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, về thuế và phí.

Trong thời gian vừa qua, khi triển khai Nghị quyết 43 thì có nhiều gói triển khai thuận lợi nhưng có gói không thuận lợi, cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cho đến nay, chúng ta giải ngân chưa đạt so với kế hoạch vì do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn, gia hạn thuế thì chúng ta triển khai thuận lợi hơn và đến nay đã đạt được 72,5% so với kế hoạch. 

Vì vậy, việc chuyển đổi từ gói hỗ trợ lãi suất sang hỗ trợ miễn, gia hạn thuế sẽ tiếp cận doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh một cách nhanh hơn.

 ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP HCM. (Ảnh: Quốc hội).

Ngoài đề xuất về chính sách tài khoá, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề việc đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phòng chống lạm phát, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, kinh doanh...

Cụ thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra một số giải pháp như sau: Cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các doanh nghiệp kéo kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tuy vẫn tăng nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, trong thời gian tới cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh, năng lượng và môi trường. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: "Chúng ta cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu".

Với vấn đề là thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi, đại biểu Ngân cho rằng, mặc dù Bộ Công thương đã tích cực vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

"Giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất", Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Hạ An