|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đi kèm là cơ chế 'xin cho'

21:52 | 21/09/2022
Chia sẻ
Đó là thông tin được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết tại buổi khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022 của Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh vào chiều 21/9.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua có nhiều bất cập, vướng mắc. Quyền doanh nghiệp được hưởng sự hỗ trợ thì nhiều, nhưng đi kèm với đó là một cơ chế "xin cho". Trong khi đó, Luật lại chưa có sự phân công rõ cơ quan làm đầu mối để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có liên quan nhiều đến Luật Thuế và Luật Ngân sách. Đại diện HUBA cho rằng, nếu cả 2 luật này không được sửa đổi thì sẽ rất khó thực hiện được việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Bởi việc chi cho hoạt động hỗ trợ rất phức tạp về mặt thủ tục, các khoản chi phải nằm trong kế hoạch chi và phải được thông qua Hội đồng nhân dân hàng năm. Các doanh nghiệp phải chứng minh mình là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và hoạt động thuộc lĩnh vực được hưởng hỗ trợ hay không.

"Thực tế cho thấy, việc triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn trong thời gian qua chưa huy động được các nguồn lực xã hội cho nền kinh tế và chỉ sử dụng ngân sách nhà nước đi kèm với đó là cơ chế "xin". Người thụ hưởng rất khó tiếp cận hoặc không muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ vì ngại thủ tục rườm rà", ông Nguyễn Đình Tuệ cho biết.

Mặt khác, các doanh nghiệp SME ở Tp.Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung hiện chiếm đến 97-98% trong tổng số doanh nghiệp. Thế nhưng, các doanh nghiệp này lại đang phải đi chứng minh mình thuộc đối tượng doanh nghiệp SME thì mới được hưởng hỗ trợ. Nếu cơ quan thuế công bố danh sách các doanh nghiệp lớn để loại trừ ra khỏi đối tượng được hưởng hỗ trợ thì việc triển khai Luật này sẽ rất đơn giản.

Theo HUBA, việc Luật thiếu hướng dẫn đi kèm, phân công không rõ ràng cũng là một phần nguyên nhân triển khai chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập. Ngoài ra, còn thiếu một chế tài đủ mạnh để các cơ quan liên quan, địa phương tích cực hơn trong việc thi hành các quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

 Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN).

Thực tế nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp SME, nhưng việc tiếp cận vẫn là bài toán nan giải.

Bà Trần Diệu Canh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại cơ khí Tân Thanh – một doanh nghiệp trên địa bàn Tp.Thủ Đức cho biết: Trong thời gian qua, Tp.Thủ Đức tổ chức các buổi đối thoại, kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng tỏ ra rất cởi mở trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế triển khai  có rất nhiều vướng mắc.

"Nhiều doanh nghiệp rất vui mừng khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai. Thế nhưng đến hôm nay khi được hỏi thì chưa có ngân hàng nào cho vay. Trong các hội nghị đối thoại, doanh nghiệp đều cử người tham gia để tìm hướng tiếp cận chính sách, song kết quả vẫn là con số 0", bà Trần Diệu Canh chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND Quận 10 cũng cho biết, từ năm 2018 đến ngày 30/6/2022, quận đã giải ngân hơn 54.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp. Quận cũng tổ chức các buổi tập huấn về sử dụng hóa đơn điện tử, tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, các buổi đối thoại với doanh nghiệp… 

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn là hạn chế về tài sản thế chấp hoặc không có tài sản thế chấp nên chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, các khoản cho vay bảo lãnh, tín chấp lại có hạn mức thấp nên chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Ngoài vấn đề vốn tín dụng, các quận, huyện cũng phản ánh tình trạng bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn trong thời gian qua, đặc biệt trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch UBND quận 5, trong khi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa tạo được sức hấp dẫn thì các quy định hiện nay khá thoáng cho hộ kinh doanh như không bị giới hạn số lao động, được mở nhiều chi nhánh và thuê người quản lý… khiến động lực chuyển đổi của các hộ kinh doanh hầu như không có. 

Trước tình trạng trên, các quận huyện, cộng đồng doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh kiến nghị cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, bổ sung các quy định về chế tài, cơ chế kiểm tra, kiểm soát và nguồn ngân sách phù hợp sẽ là những điều kiện quan trọng để giúp Luật đi vào cuộc sống một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất…

Hứa Chung