|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế tuần hoàn: Cần thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp

20:43 | 07/09/2022
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 7/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân cho rằng, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường.

Ước tính đến nay có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển kinh tế tuần hoàn như Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên như Hà Lan, Đức, Pháp, Phần Lan…; Australia, Nhật Bản, Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành những chiến lược, đề án trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở các nhiệm vụ luật Bảo vệ môi trường giao cho riêng về kinh tế tuần hoàn, Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình trên.

Theo đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn, Nghị định đã đưa ra các biện pháp đầu tư của Nhà nước như "đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn".

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được áp dụng theo quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật khác có liên quan.

   Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân. (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Theo đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh tế tuần hoàn thuộc các hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định trong Nghị định sẽ được hưởng các chính sách tương ứng về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí và lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ, mua sắm công xanh. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh tế tuần hoàn thuộc danh mục dự án xanh được áp dụng chính sách cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

"Mặc dù đã có những quy định khuyến khích kinh tế tuần hoàn, song để mô hình này thực sự đi vào cuộc sống cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Hỗ trợ cho mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn rất thấp

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tỷ lệ các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ khá thấp cho mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn rất thấp. Đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng, thậm chí là chưa tìm hiểu về kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chỉ có khoảng 3-6% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đã áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh hoặc đã áp dụng một trong những nội dung của mô hình kinh doanh tuần hoàn ở mức đầy đủ. Ông Cương cho rằng, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn/KDTH tại Việt Nam còn nhiều hạn chế bởi các rào cản về công nghệ, khuyến khích về mặt kinh tế, các yếu tố xã hội, các yếu tố về chuỗi giá trị.

Theo đó, có tới 74% trong số 500 doanh nghiệp được khảo sát cho rằng việc thiếu sự thích nghi và phù hợp của các chính sách với bối cảnh địa phương là rào cản ở mức độ lớn và rất lớn đối với phát triển kinh tế tuần hoàn.

55% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng "Thiếu các cam kết về pháp luật cả ở bình diện quốc tế và trong nước và thiếu cam kết trong tham gia các khuôn khổ hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn" sẽ cản trở việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở mức lớn và rất lớn.

Tương tự, 53%-55% các doanh nghiệp cho rằng "Mức độ phát triển kinh tế thấp khiến việc triển khai kinh tế tuần hoàn trên quy mô lớn trở nên khó khăn", "Thiếu sự khuyến khích về mặt kinh tế" và "Hệ thống thuế ủng hộ nền kinh tế tuyến tính và chưa hỗ trợ kinh tế tuần hoàn" là những rào cản lớn và rất lớn đối với phát triển kinh tế tuần hoàn. 

63% doanh nghiệp cho rằng "Sự không thiện cảm của xã hội đối với việc thay đổi hành vi, giá trị và thái độ hiện tại" tạo nên rào cản lớn và rất lớn cho sự phát triển kinh doanh theo hướng tuần hoàn; 98% doanh nghiệp cho rằng các hạn chế về trình độ công nghệ hiện tại là rào cản đối với việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Kim chỉ nam hoạt động của Tân Hiệp Phát

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng cho rằng, thói quen tiêu dùng, nhận thức về kinh tế tuần hoàn; Khung pháp luật và chính sách chưa hoàn thiện; Liên kết, quy hoạch chuỗi giá trị phục vụ cho ngành công nghiệp tái phù hợp với quy mô thu gom, đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế xã hội từng khu vực để triển khai tái chế hiệu quả về kinh tế là những thách thức rất lớn đối với việc phát triển kinh tế tuần hoàn.

 Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Nhà Đầu tư). 

Bà Phương rất tâm đắc với ý kiến của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân về việc mô hình kinh tế tuần hoàn trong một ngôi làng, một doanh nghiệp hay một địa phương tới đây sẽ như thế nào?  Là doanh nghiệp sản xuất trong ngành giải khát có sử dụng nhiều tài nguyên, Tân Hiệp Phát có trách nhiệm đưa kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển của tổ chức, đây cũng là kim chỉ nam hoạt động của Tập đoàn.

Do đó, Tân Hiệp Phát đã đầu tư công nghệ tiến tiến hàng đầu thế giới có tính tự động cao để đáp ứng yêu cầu triển khai kinh tế tuần hoàn gồm hiệu quả về kinh tế & tuần hoàn tối đa - dây chuyền sản xuất Nước giải khát công nghệ chiết lạnh Aseptic (GEA Procomac – Đức).

Trong giai đoạn 2013-2018, mô hình 3R đã giúp Tân Hiệp Phát đã giảm được hơn 50.000 tấn nhựa và giấy. Đến giai đoạn 2018-2022, lượng nhựa giảm cộng dồn lên tới hơn 70.000 tấn nhờ ứng dụng công nghệ chiết lạnh Aseptic. Mục tiêu đến năm 2027 của Tân Hiệp Phát là giảm hơn 112.000 tấn giấy và nhựa.

Tập đoàn cũng đã đầu tư chuỗi công nghệ từ Washing - Extruder - Injection Molding để tái chế tuần hoàn nhựa PE,PP sản xuất pallet, thùng chứa rác,...đồng thời triển khai hệ thống quản trị số hóa tự động từ sản xuất tới cung ứng.

Ngoài mô hình kinh tế tuần hoàn từ sản xuất tới tái chế tại nhà máy Number One Hậu Giang với quy mô hơn 10.000m2 giúp tái chế 3.600 tấn nhựa HDPE mỗi năm, mới đây, Tân Hiệp Phát cũng đã phối hợp cùng Tỉnh Hà Nam nghiên cứu và dự kiến triển khai thêm một nhà máy tái chế nữa tại đây, bà Trần Uyên Phương cho hay.

Theo bà Phương, văn hóa lãnh đạo cũng rất quan trọng, Tập đoàn Tân Hiệp Phát xác định tư duy lãnh đạo hướng tới lợi ích của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội; Khích lệ nhân viên vượt qua các giới hạn của bản thân để hoàn thiện và vươn lên cùng chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bà Phương cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp hiện đang gặp một số khó khăn trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Theo bà cần đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức mang tầm quốc gia dành cho người dân về phân loại rác tại nguồn; mở rộng đào tạo hướng dẫn, phổ biến tới doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh về kinh tế tuần hoàn. Cũng như hoàn thiện luật, quy định, chính sách, hướng dẫn về kinh tế tuần hoàn. Đưa ra thước đo về thực thi kinh tế tuần hoàn là cơ sở hưởng ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình này. Với các doanh nghiệp nhìn thấy trách nhiệm của mình với môi trường, với xã hội như Tân Hiệp Phát thì việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc vận hành, sản xuất hướng tới phát triển bền vững là điều tất yếu.

Đồng thời, cần quy hoạch khu công nghiệp dành cho chuỗi giá trị liên quan tới ngành tái chế phục vụ một khu vực địa lý nhất định, bà Phương kiến nghị.

Hạ An

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.