|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: 'Một nền kinh tế tuần hoàn, ở đó chai nhựa không phải rác thải'

14:45 | 27/10/2019
Chia sẻ
Theo chia sẻ từ bà Trần Uyên Phương, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, Tân Hiệp Phát luôn luôn nghiên cứu làm sao để giảm lượng nhựa.
DSC_8105

Giải Long Biên Marathon 2019 được tổ chức sáng 27/10. Ảnh: VT

Ngày 27/10, bên lề Long Biên Marathon 2019, chương trình thu thập ý tưởng và thông điệp  bảo vệ môi trường "Không để nhựa thành rác. Chạy cho ngày mai xanh" được tổ chức.

Chương trình do Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp cùng ban tổ chức thực hiện, nằm trong chiến dịch "Không để nhựa thành rác" ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong việc hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. 

Theo ban tổ chức chia sẻ, mỗi ý tưởng đóng góp cho chương trình sẽ được qui đổi thành 2.000 đồng cho qũi hoạt động vì môi trường trên địa bàn Hà Nội. 

Có mặt tại chương trình và đóng góp ý tưởng có bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cầu thủ Bùi Tiến Dũng của Đội tuyển Việt Nam,– vận động viên ultra marathon - Vũ Phương Thanh, người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục 1.000 km qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới (Sahara, Gobi, Atacama, Antartica). 

"Phó tướng" Tân Hiệp Phát: "Một nền kinh tế tuần hoàn, ở đó chai nhựa không phải rác thải"

Trả lời phỏng vấn tại chương trình, bà Trần Uyên Phương cho biết: "Đối với Tân Hiệp Phát, trách nhiệm cộng đồng là một chiến lược, trong tất cả các hoạt động của Tân Hiệp Phát luôn hướng đến làm sao tốt cho môi trường. Toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, Tân Hiệp Phát luôn luôn nghiên cứu làm sao để giảm lượng nhựa."

DSC_8637

Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương chia sẻ tại chương trình. Ảnh: VT

"Tuy nhiên như thế là chưa đủ, với những bức xúc hiện nay của người tiêu dùng, đòi hỏi phải có một giải pháp toàn diện hơn, đó là mong muốn giải pháp toàn diện cho một nền kinh tế tuần hoàn, ở đó chai nhựa không phải rác thải nó có thể tái sử dụng, trở thành ngành công nghiệp có nhiều người muốn tham gia, cùng tạo ra lợi nhuận. Lúc đó nó mới trở thành ngành công nghiệp hiệu quả, khi đó mới tạo ra lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp.

Đứng góc độ cá nhân, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, mỗi cá nhân khi hàng ngày sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm nhựa, khi sản phẩm không sử dụng thì làm sao cho hiệu quả. Tất cả đồ thải ra sẽ trở thành rác gây tác hại cho môi trường", bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh.

Cầu thủ Bùi Tiến Dũng đã làm gì để không biến nhựa thành rác?

Cũng tại chương trình, Bùi Tiến Dũng đã có lời cổ vũ, vận động mọi người cùng đóng góp ý tưởng cho chương trình, nhằm kêu gọi mọi người có ý thức hơn trong cuộc sống, sử dụng nhựa thông minh, không vứt rác thải nhựa ra môi trường, tái sử dụng và tái chế nhựa.

DSC_8508

Cầu thủ Bùi Tiến Dũng trả lời phỏng vấn tại chương trình. Ảnh: VT

"Dũng cùng đội tuyển khi tập thường phải sử dụng nước uống đóng chai. Sau khi uống nước anh em cả đội phân loại vỏ chai, tập trung để gọn vào một nơi để tiện cho việc thu gom. Dũng cũng có quán cà phê, Dũng thường dặn nhân viên phân loại rác, đồng thời sử dụng sản phẩm thay thế nhựa", cầu thủ Bùi Tiến Dũng chia sẻ.

Đến cuộc thi Marathon, Bùi Tiến Dũng mong muốn chia sẻ thông điệp hãy cùng bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp tới mọi người. Hy vọng có nhiều chương trình như thế này hơn nữa để góp phần thay đổi nhận thức mọi người về rác thải nhựa để nhựa không biến thành rác, gây tác hại môi trường.

VT