Coca-Cola, Nestlé và PepsiCo đứng top phát thải rác nhựa năm thứ hai liên tiếp
Phong trào Break Free From Plastic (Thoát khỏi Đồ Nhựa). Ảnh: greepeace.org.
Theo thông tin từ tổ chức Hòa bình Xanh (Green Peace), trong tháng 9 vừa qua Phong trào Break Free From Plastic (Thoát khỏi Đồ Nhựa) đã tổ chức 484 cuộc dọn dẹp ở 50 quốc gia tại 6 châu lục và xác định được những doanh nghiệp cho ra nhiều rác thải nhựa nhất.
Ngoài Coca-Cola, Nestlé, và PepsiCo, những cái tên còn lại trong top 10 bao gồm Mondelēz International, Unilever, Mars, Procter & Gamble, Colgate-Palmolive, Phillip Morris, và Perfetti Van Melle
Ông Von Hernandez, điều phối viên toàn cầu của Phong trào "Thoát khỏi Đồ Nhựa" cho biết: "Báo cáo này cung cấp bằng chứng cho thấy các tập đoàn cần nhanh chóng hành động nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa mà chính họ đã tạo ra. Việc các doanh nghiệp này tiếp tục dựa vào những loại bao bì nhựa dùng một lần dẫn tới ngày càng có nhiều rác nhựa bị xả ra môi trường.
Hoạt động tái chế sẽ không thể giải quyết được vấn đề này. Gần 1.800 tổ chức thành viên của Phong trào Thoát khỏi Đồ Nhựa đang kêu gọi các tập đoàn khẩn trương giảm sản xuất các đồ nhựa dùng một lần và tìm kiếm các giải pháp cải tiến thay thế không tạo ra ô nhiễm rác nhựa".
Theo tổ chức Hòa bình Xanh, ba công ty top đầu trong danh sách phát thải rác nhựa năm nay - Coca-Cola, Nestlé, và PepsiCo nhìn chung chỉ đưa ra những giải pháp giả tạo đối với cuộc khủng hoảng nhựa hiện nay. Vì vậy, những yêu cầu chịu trách nhiệm và lời kêu gọi chấm dứt nhựa dùng một lần phải xuất phát từ cả bên ngoài ngành hàng tiêu dùng.
Nhiều cái tên trong danh sách phát thải rác nhựa nhiều nhất năm nay đồng thời là những thương hiệu nổi tiếng bậc nhất toàn cầu.
Bà Abigail Aguilar, điều phối viên tổ chức Hòa bình Xanh khu vực Đông Nam Á, nói: "Những cam kết mới đây của các tập đoàn như Coca-Cola, Nestlé, và PepsiCo để giải quyết cuộc khủng hoảng chủ yếu vẫn là các giải pháp giả tạo như thay thế cốc nhựa bằng cốc giấy, nhựa sinh học hoặc phụ thuộc ngày càng nhiều vào hệ thống tái chế với nhiều khiếm khuyết.
Những chính sách này đa phần chỉ có tác dụng bảo vệ mô hình kinh doanh xả rác gây ra khủng hoảng ô nhiễm bấy lâu nay".
Ông Denise Patel, Điều phối viên tại Mỹ của "Liên minh Toàn cầu về Thay thế phương pháp Lò đốt" (GAIA) nhận định: "Các sản phẩm và cách đóng gói mà những thương hiệu như Coca-Cola, Nestlé, và PepsiCo đang sử dụng khiến cho hệ thống tái chế của chúng ta trở nên vô dụng.
Trung Quốc đã cấm gần như toàn bộ việc nhập khẩu 'rác tái chế' của Mỹ cũng như từ các quốc gia xuất khẩu khác. Nhiều nước cũng đang đưa ra chính sách tương tự. Nhựa đang được đưa vào lò đốt ở khắp nơi trên thế giới khiến người dân chịu ô nhiễm không khí độc hại. Chúng ta cần tiếp tục phơi bày danh tính những doanh nghiệp là thủ phạm thực sự gây ra cuộc khủng hoảng đồ nhựa và vật liệu tái chế hiện nay".