|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kiểm toán Nhà nước nêu lý do khiến gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm chậm trễ

15:46 | 24/11/2023
Chia sẻ
Tính đến 31/3/2023, số tiền lũy kế hỗ trợ lãi suất trong chương trình mới đạt hơn 332 tỷ đồng, tương đương 0,83% tổng hạn mức gói (40.000 tỷ).

(Ảnh minh họa: Techcombank).

Đến tháng 7/2023 mới giải ngân được 1,7%

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chỉ ra nguyên nhân khiến cho gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm không đạt hiệu quả. 

Đây là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng được triển khai theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022. 

KTNN cho biết đến 31/12/2022, chương trình hỗ trợ lãi suất trên đã không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện rất thấp so với kế hoạch đề ra. Số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng, tương ứng 0,8%/tổng số hạn mức đã đăng ký và được phê duyệt, 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng). 

Đến 31/3/2023, số tiền lũy kế hỗ trợ lãi suất là 332,5 tỷ đồng đạt 0,83% tổng hạn mức. Đến cuối tháng 7/2023, số tiền mới đạt khoảng 681 tỷ đồng tương đương 1,7% nguồn lực bố trí thực hiện chính sách. Năm 2022, có 15/44 ngân hàng không tham gia hỗ trợ lãi suất, ngoài ra có 14/44 ngân hàng hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng.

Những ngân hàng không tham gia hỗ trợ được KTNN liệt kê bao gồm: OceanBank, GPBank, CBBank, Bac A Bank, BaoViet Bank, LPBank, NCB, SCB, VietABank, VietBank, DongABank, Hong Leong, Woori Việt Nam, Liên doanh Việt- Nga. Riêng Standard Chartered Việt Nam đến 31/12/2022 có phát sinh dư nợ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng chưa phát sinh số tiền do chưa đến kỳ trả lãi.

Danh sách 14 ngân hàng hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng bao gồm: ABBank, Bản Việt, PVcomBank, SeABank, Kienlongbank, NamAbank, OCB, MB, VIB, Saigonbank, Sacombank, PGBank, Eximbank.

Ngoài ra, KTNN cũng đánh giá công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, thể hiện ở việc sau gần ba tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng vẫn không đạt kỳ vọng, vẫn còn ý kiến phản ánh về khó khăn khi tiếp cận chính sách.

KTNN còn cho rằng một số ngân hàng ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm; chưa chú trọng tập huấn, hướng dẫn đào tạo nội bộ; không chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách, chưa xây dựng tiêu chí xét duyệt, công tác tuyên truyền sơ sài, không đầy đủ, rõ ràng ...

Ngân hàng thiếu chủ động, chậm triển khai

Báo cáo chỉ ra một số nguyên nhân khách quan như "tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng" hay việc khách hàng gặp khó khăn về chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nghề, ....

Tuy nhiên, vẫn còn một số nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng. KTNN đã liệt kê ra hai nguyên nhân lớn từ phía ngân hàng là sự thiếu chủ động, tích cực và công tác triển khai chậm, thiếu hiệu quả. 

Về vấn đề thiếu chủ động, KTNN cho biết qua số liệu thống kê các ngân hàng báo cáo NHNN, có 13 ngân hàng không rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ theo đánh giá chủ quan dẫn đến không triển khai chính sách một cách hiệu quả. 

Một số ngân hàng rà soát có hồ sơ đủ điều kiện nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lại bằng “0”. Một số khác rà soát được số lượng khách hàng đủ điều kiện tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lại rất thấp, cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế.

Vấn đề thứ hai, KTNN đánh giá công tác triển khai hỗ trợ lãi suất của một số ngân hàng còn chậm, chưa hiệu quả: Ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ chậm; công tác truyền thông chưa được chú trọng, không đẩy mạnh truyền thông sâu rộng đến khách hàng. 

Minh Quang