|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Cấn Văn Lực: Khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% nếu không nới 'room' tín dụng

11:35 | 25/08/2022
Chia sẻ
TS. Cấn Văn Lực cho rằng không nên chờ đến quý IV, cuối năm rồi mới nới room tín dụng, như vậy quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp.

 TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: DNVN).

Tại diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" diễn ra vào ngày 24/8, chia sẻ về gói hỗ trợ lãi suất, TS Cấn Văn Lực,Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, không nên chờ đến quý IV, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát "êm" rồi mới nới room tín dụng vì như vậy quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

 

Nếu không nới room tín dụng ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.

TS Cấn Văn Lực

 TS. Cấn Văn Lực cho biết gói hỗ trợ lãi suất này khác với gói hỗ trợ năm 2009 ở một số điểm bao gồm nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm, không dùng hết chắc chắn phải ngừng). Ngoài ra là hai tiêu chí quan trọng của gói này là đáp ứng cơ bản điều kiện tín dụng của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, cái khó hiện nay là làm thế nào để đánh giá khả năng phục hồi. Do đó, vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Liên quan kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng cần làm rõ một số vấn đề. Với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không có tài sản đảm bảo, ngân hàng không cho vay, nên cần tiếp cận quỹ đầu tư mạo hiểm.

Với chương trình phát triển nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay là đối tượng cần thiết nhưng phải có nguồn lực từ Chính phủ, ngân sách kết hợp với nguồn lực tư nhân. Ở các nước có quỹ phát triển nhà ở như mô hình ở Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã thực hiện thành công.

Còn Việt Nam thỉnh thoảng có một gói hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay 4,8%/năm sẽ khó thành công. Tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ gần đây, một số doanh nghiệp xung phong đầu tư nhà ở xã hội nhưng phải tránh hiện tượng phong trào mà cần lãm rõ về định hướng phát triển, cũng như trách nhiệm của các bên.

Không nên dùng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp

Về việc dùng quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực nhận định kiến nghị này là không trúng.

Quỹ dự trữ ngoại hối là vô cùng quan trọng, cấp bách, chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định chứ không được và không nên dùng để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam còn nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chưa giải ngân hết, thậm chí đầu tư công chưa giải ngân được. 

Cũng tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho biết một số giám đốc chi nhánh ngân hàng trao đổi, thời kỳ năm 2009-2010, hỗ trợ lãi suất nhưng đến giờ có một số ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong.

Do đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay, cần hỗ trợ làm sao cho ngân hàng an toàn, ngân hàng cho vay rồi mà không quyết toán được thì cũng sẽ gặp nhiều rủi ro. 

Phương Nga