|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Gói hỗ trợ cần quy mô khoảng 80.000 tỷ đồng, không nên khuyến nghị NHNN giảm lãi suất điều hành

07:00 | 23/10/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng dư địa từ phía chính sách tiền tệ còn rất hạn hẹp, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đang nhích dần lên và các nước trên thế giới đang có xu hướng tăng lãi suất trở lại.

"Chúng tôi đang đề xuất gói hỗ trợ thêm 1 - 2% GDP cả nước, tương đương từ 80 đến 100 nghìn tỷ đồng (theo cách tính mới)", Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Phạm Thế Anh cho biết Tại tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2021 mới đây của VEPR.

Theo ông, Việt Nam hoàn toàn có đủ dư địa chính sách cho gói hỗ trợ với quy mô nêu trên. Ước tính với mức hỗ trợ này, thâm hụt ngân sách sẽ vào khoảng 4,4 - 4,6% GDP, tỷ lệ nợ công khoảng 45,4 - 46% GDP, nằm trong ngưỡng cho phép.

Đồng thời, khi xem xét quy mô các gói hỗ trợ không nên quá quan tâm đến tỷ lệ nợ công mà chỉ cần chú ý tới nghĩa vụ trả nợ, hiện nay con số này khoảng 24,5% ngân sách.

Không nên khuyến khích giảm lãi suất điều hành

Thông thường, các gói hỗ trợ sẽ đến từ cả hai phía gồm chính sách tiền tệ và tài khoá. Tại các nước trên thế giới, mức hỗ trợ từ các chính sách tài khoá sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế mà trong năm 2020 và 2021 là do đại dịch COVID-19.

Đánh giá về việc sử dụng hai loại chính sách này tại Việt Nam, chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực cho rằng đối với các gói kích thích trong bối cảnh hiện nay, không nên khuyến nghị mở rộng chính sách tiền tệ mà cần phải dùng ngân sách nhà nước (NSNN). 

"Không nên khuyến nghị NHNN giảm lãi suất điều hành nhất là trong bối cảnh lạm phát đang nhích lên và các nước trên thế giới đang có xu hướng tăng lãi suất trở lại", ông nói.

Chuyên gia: Gói hỗ trợ cần quy mô khoảng 80.000 tỷ đồng, không nên khuyến nghị NHNN giảm lãi suất điều hành - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực. (Ảnh: Báo đầu tư).

Ông cho biết dư địa về tiền tệ của Việt Nam còn rất ít khi lãi suất đã ở mức thấp, hệ thống ngân hàng chỉ cần tiếp tục cân đối hỗ trợ khách hàng từ những nguồn lực của mình, làm tốt những chính sách trong Thông tư 14 thì đã giúp đỡ cho doanh nghiệp rất nhiều.

Theo phân tích từ các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khoá để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cần phải chấp nhận việc thâm hụt ngân sách ở mức phù hợp khoảng 1 - 2% GDP. 

Chuyên gia cũng ước tính trong trường hợp xấu nhất thì nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam không vượt quá 25% so với tổng thu nhân sách, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng nghĩa vụ trả nợ là dàn trải qua nhiều năm và lãi suất vay từ nước ngoài là rất thấp.

"ADB sẵn sàng cho chúng ta vay từ 7 -10 năm với lãi suất bằng lãi suất Libor cộng thêm margin vẫn dưới mức 1%/năm", ông ví dụ.

Ba lưu ý để phục hồi nền kinh tế

Cùng với đề xuất cần nhanh chóng và quyết liệt hơn trong việc đưa ra gói hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng nhấn mạnh những điểm cần lưu ý để đảm bảo nền kinh tế có thể sớm phục hồi.

Thứ nhất, Chính phủ cần phải nhất quán việc hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không hỗ trợ đại trà. Bởi vì trong bối cảnh hiện tại, vẫn có những doanh nghiệp làm ăn rất tốt như mảng sắt thép, dịch vụ tài chính, ngân hàng,... 

Đồng thời, cần hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi và lan toả đến các mảng kinh doanh khác chứ không thể đổ tiền vào các doanh nghiệp mà biết trước rằng nếu có hỗ trợ thì cũng khó để vực dậy.

Do đó, câu chuyện về sàng lọc và lựa chọn đối tượng hỗ trợ là một vấn đề cấp thiết và quan trọng, rút kinh nghiệm từ bài học về triển khai gói hỗ trợ lãi suất đại trà nhưng không hiệu quả của năm 2009.

Thứ hai là cần trả lời được câu hỏi làm thế nào để đảm bảo sản xuất kinh được duy trì liên tục thông suốt? Chính phủ cần phải nhất quán thực hiện Nghị quyết 128 và Nghị quyết 105, nhất quán thực thi và càng nhanh càng tốt. Cần ưu tiên vắc xin cho doanh nghiệp, có thể triển khai hình thức vắc xin dịch vụ; không để diễn ra tình trạng ách tắc lưu thông hàng hoá khiến cho chi phí đội lên cao; 

Cùng với đó, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp, để cho doanh nghiệp tự xây dựng, lựa chọn mô hình SXKD an toàn. Đồng thời, nên tiếp tục giảm giá điện, một hình thức hỗ trợ rất trực tiếp và vào ngay DN. Trong năm ngoái EVN đã giảm là 10.000 tỷ đồng tiền điện trong khi năm nay mới được 5.000 tỷ đồng.

Thứ ba, cần lượng hoá số tiền thực chi cả tài khoá và tiền tệ cho các gói hỗ trợ, tương đương khoảng 4% GDP. Nếu so với các nước trong khu vực và mới đổi (chi khoảng 7,7 - 8% GDP) thì mức chi của Việt Nam còn khiêm tốn trong khi độ nguy hai không kém gì họ.

"Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang triển khai đề xuất một gói hỗ trợ lãi suất tương đối lớn", chuyên gia Cấn Văn Lực tiết lộ.

Diệp Bình