|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VEPR: Các gói hỗ trợ không thấm tháp gì với nhu cầu của nền kinh tế, cần 'cởi trói' để được hoạt động bình thường

15:06 | 20/10/2021
Chia sẻ
VEPR lưu ý rằng, dù cố gắng tới đâu, các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn là hữu hạn, không thấm tháp gì với nhu cầu của nền kinh tế. Không có cách nào khác là phải để nền kinh tế tự cứu lấy nó bằng cách “mở cửa” trở lại các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2021 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 20/10, tổ chức này nhận định nhìn chung, sức khỏe của nền kinh tế suy giảm rất nghiêm trọng. 

Mức tăng trưởng âm 6,17% trong quý III có lẽ chưa phản ánh hết được sự đứt gãy sản xuất và lưu thông hàng hóa, sự đình trệ của các hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô lớn, sự bất ổn trong đời sống của hàng triệu người lao động. 

"Sức chống đỡ của doanh nghiệp và người dân ở các vùng có dịch bùng phát trong thời gian vừa qua đã tiến tới gần điểm tới hạn. Kết quả này cho thấy Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan được nữa", báo cáo nêu.

VEPR: Các gói hỗ trợ không thấm tháp gì với nhu cầu của nền kinh tế, cần 'cởi trói' để được hoạt động bình thường - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo của VEPR.

VEPR: Các gói hỗ trợ không thấm tháp gì với nhu cầu của nền kinh tế, cần 'cởi trói' để được hoạt động bình thường - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo của VEPR.

VEPR cho rằng các hoạt động kinh tế cần được “cởi trói” để hoạt động bình thường trở lại. Việc chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam của một vài doanh nghiệp FDI hay sự rời bỏ các trung tâm sản xuất của các lao động có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu không thay đổi tư duy chống dịch, không đảm bảo được sự liên tục của sản xuất và lưu thông hàng hóa dựa trên các biện pháp phòng chống bệnh dịch hợp lý và hiệu quả thì rất có thể các vấn đề trên sẽ trở thành lâu dài. 

Các doanh nghiệp sẽ không mở rộng đầu tư, hay người lao động sẽ không quay trở lại thành phố cho tới khi họ an tâm với các biện pháp phòng chống bệnh dịch trong tương lai.

Báo cáo cho biết triển vọng hồi phục kinh tế do vậy phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu một hướng dẫn tổng thể, nhất quán giữa các địa phương, giữa các bộ ngành về việc sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt, và đặc biệt là phải tiết giảm chi phí và khả thi đối với doanh nghiệp. 

Bệnh dịch đã lắng xuống, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin đã khá cao ở các trung tâm kinh tế, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chưa thể quay trở lại hoạt động bình thường, nhiều hoạt động lưu thông vận tải hành khách và hàng hóa vẫn bị ngưng trệ. 

Ngoài ra, bên cạnh thay đổi chiến lược thích ứng hiệu quả với đại dịch, các hỗ trợ an sinh xã hội và tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế. VEPR đánh giá các gói hỗ trợ cho tới nay là rất hạn hẹp.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể tạm thời chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao hơn bình thường nhằm an dân và hỗ trợ doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, các kỷ luật tài khóa cần phải được tuân thủ chặt chẽ trở lại để tránh các rủi ro về tài khóa và nợ công trong dài hạn. 

VEPR lưu ý rằng, dù cố gắng tới đâu, các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn là hữu hạn, không thấm tháp gì với nhu cầu của nền kinh tế. Không có cách nào khác là phải để nền kinh tế tự cứu lấy nó bằng cách “mở cửa” trở lại các hoạt động sản xuất và tiêu dùng. 

"Nếu các rào cản được gỡ bỏ thì tăng trưởng GDP cả năm trong kịch bản lạc quan có thể đạt khoảng 2% - 2,5%. Còn không, rất có thể tình trạng của quý III sẽ lặp lại. Khi đó, Việt Nam không chỉ đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế mà còn là sự khó khăn và tốn kém hơn trong hồi phục sau đại dịch", tổ chức này nhận định.

VEPR: Các gói hỗ trợ không thấm tháp gì với nhu cầu của nền kinh tế, cần 'cởi trói' để được hoạt động bình thường - Ảnh 1.

Hai kịch bản tăng trưởng GDP năm nay theo tính toán của VEPR.

Báo cáo cũng nêu cụ thể hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay. Cụ thể ở kịch bản tốt, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,0 – 2,5%. 

Kịch bản này giả định cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch với tinh thần chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế với tỷ lệ tiêm chủng cao. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý IV. Tình trạng phong tỏa như trong quý III không lặp lại. 

Trong kịch bản xấu, tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 1,0-1,5%. Trong kịch bản này, bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát trong khi Việt Nam chưa thống nhất được chiến lược ứng phó một cách hiệu quả giữa các tỉnh thành. Tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất. Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp. 

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.