|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau làn sóng dịch tồi tệ nhất, triển vọng kinh tế Việt Nam được nâng/ hạ ra sao?

09:02 | 18/10/2021
Chia sẻ
Các tổ chức quốc tế lần lượt công bố dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 – năm được coi là đầy khó khăn khi Việt Nam vừa trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất kéo dài nhiều tháng và nhiều khu vực kinh tế quan trọng phải giãn cách xã hội.

Các tổ chức đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay

4 ngày trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo triển vọng Kinh tế Thế giới, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay khoảng 3,8%, cao nhất trong nhóm các nước Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Indonesia.

Trước đó trong báo cáo hồi tháng 4 – khi Việt Nam chưa đối mặt làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 đạt 6,5%.

Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam sáng 13/10, Ngân hàng thế giới - World Bank hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố hồi tháng 9. Mức dự báo mới dựa trên cơ sở GDP quý III suy giảm sâu 6,2% (so với cùng kỳ năm trước); và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP HCM đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế.

Trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất, triển vọng kinh tế Việt Nam được nâng/ hạ ra sao? - Ảnh 1.

Tuy nhiên theo World Bank, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ.

Để gỡ bỏ những nút thắt về logistics, World Bank nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vắc xin, đồng thời khuyến khích dịch chuyển lao động.

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Trước hết là giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu.

Thứ hai là mở rộng hơn nữa việc hỗ trợ cho người lao động cả nhóm chính thức lẫn phi chính thức, cũng như các hộ gia đình. Nhờ vậy, người lao động có thể vượt qua khó khăn, sớm quay lại sản xuất bình thường.

Thứ ba, Việt Nam cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.

Đầu tháng 10, SSI Research điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,5 - 2,8%, từ 3,5% trước đó và cho rằng dự báo tăng trưởng GDP trong quý IV sẽ khó có thể ngay lập tức quay lại mức tăng trưởng cao.

Dự báo mới nhất đến từ VNDirect, cho cả năm 2021, tổ chức này nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ tăng khoảng 2,2%. Trước đó, VNDirect kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng 3,9%.

Đó là 4 tổ chức đưa ra dự báo mới nhất ngay sau khi dịch COVID-19 tại Việt Nam dần được kiểm soát. 

Trước đó hồi tháng 9 – khi tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng loạt tổ chức trong và ngoài nước hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong báo cáo công bố ngày 1/9, Standard Chartered lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021, từ 6,5% xuống 4,7%. Trong dự báo đưa ra hồi đầu năm, tổ chức này đã nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khá cao - ở mức 7,8% trong năm nay.

Hôm 22/9, ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 3,8% từ mức 5,8% trong dự báo đưa ra hôm 21/7.

Tăng trưởng năm sau rất tích cực, dự báo trong khoảng 6,5-7,5%

Trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất, triển vọng kinh tế Việt Nam được nâng/ hạ ra sao? - Ảnh 2.

Tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát. (Ảnh: TTXVN).

Nhìn chung trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất, các tổ chức đều hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm nay. Dù vậy, triển vọng dài hạn của Việt Nam khá tích cực như VNDirect dự báo GDP tăng trưởng 7,5% năm 2022, IMF dự báo đạt mức 6,6%, Standard Chartered nhận định mức 7,3%.

"Giống như các nền kinh tế khác tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn," ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ trong báo cáo hồi đầu tháng 9.

Hồi giữa tháng 9, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cũng đưa ra đánh giá tương tự. "Bất chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19."

Điển hình như các nhà đầu tư Hàn Quốc vốn hiểu rất rõ Việt Nam đang tiếp tục hoạt động đầu tư vào thị trường này. Samsung dự kiến chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.

Một tổ chức lớn khác là ADB cũng vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. ADB cho rằng tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Mới đây, tại hội thảo trực tuyến "Tết doanh nhân trực tuyến - Vận hội mới, hành động mới" hôm 12/10, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc tư vấn đầu tư Dragon Capital nhận định động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới vẫn được duy trì ổn định.

Theo ông Tuấn, động lực đầu tiên là môi trường kinh tế ổn định đã được nước ta duy trì kể từ năm 2013 - 2014 đến nay, thể hiện qua tỷ lệ lạm phát và lãi suất thị trường ổn định.

Thứ hai là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam bất chấp COVID-19 vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Động lực thứ ba nhưng vô cùng quan trọng là tăng trưởng tầng lớp trung lưu. Đây là yếu tố sẽ tạo ra sức cầu cực, sức mua kỳ lớn cho các ngành hàng trong tương lai.

Về phía các động lực mới, yếu tố có tác động mạnh mẽ là đầu tư công. Việt Nam đang có mặt bằng cơ sở hạ tầng và đầu tư công cực kỳ thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, Quốc hội và Chính phủ đang quyết tâm tập trung đẩy mạnh và phát triển cho đầu tư công.

Cuối cùng là môi trường lãi suất thấp cũng đang được duy trì ổn định.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV năm nay phải đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên và để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm thì quý IV phải đạt được 8,84% trở lên.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng GDP quý IV phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ để kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự vươn lên của chính các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6% và kế hoạch của Chính phủ là 6,5% thì quý IV phải tăng trưởng rất cao để bù lại mức tăng trưởng thấp của những tháng qua, đây được xem là một thách thức rất lớn.

Nhận định về tăng trưởng quý IV, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tin rằng quý IV sẽ có mức tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn quý I và có thể đạt được như quý II, thời điểm mà nền kinh tế đã có khởi sắc.

Anh Đào