Sếp Dragon Capital chỉ ra 5 động lực đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5 - 10 năm tới
Tại hội thảo trực tuyến "Tết doanh nhân trực tuyến - Vận hội mới, hành động mới" do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức nhân dịp kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc tư vấn đầu tư Dragon Capital đã có những nhận định về tình hình kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và những cơ hội cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ tới nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy vậy, ông Tuấn đánh giá chiến lược tiêm vắc xin ở nước ta là tương đối tốt. Tính đến nay, nước ta đã có hơn 59,8 triệu mũi tiêm trên toàn quốc. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 ở các tỉnh thành chiến lược tập trung ưu tiên đều đạt 100%, trong đó TP. HCM đã tiêm đủ 2 mũi cho 72% dân số, còn Hà Nội đạt tỷ lệ 63%.
Với chiến lược ngoại giao vắc xin hiệu quả như hiện nay, từ tháng 10/2021 đến hết quý I/2022, mỗi tháng chúng ta sẽ có bình quân 18 triệu liều vắc xin nhập về trong nước. Cùng với việc chủ động vắc xin trong nước, tỷ lệ tiêm chủng toàn dân tính đến hết quý I/2022 có thể đạt tỷ lệ 65% - 70% toàn dân số.
Ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế Việt Nam là rất lớn
Theo số liệu thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 36% so với năm trước, còn con số giải thể hoặc ngừng hoạt động đã tăng 37% so với 2020, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn 2018 - 2019. Trong số 70% số doanh nghiệp này thuộc về ngành dịch vụ.
Ngành lao động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Ở những tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 và 16+, tỷ lệ sử dụng lao động chỉ ở khoảng 46,3% - 77,7%. Theo ước tính của Dragon Capital, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay tối thiểu là 5%, cũng là mức cao nhất trong vòng 25 năm vừa qua.
Thổng kê tăng trưởng tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, những ngành sử dụng cường độ vốn cao có xu hướng không bị ảnh hưởng quá nhiều, phải kể đến như ngành linh kiện điện tử, hóa dầu, nhôm... Trái lại những ngành sử dụng cường độ lao động lớn lại chịu ảnh hưởng nặng nề như Thủy hải sản (giảm 35,2% so với cùng kỳ), bia và đồ uống có cồn (-33.6%), quần áo (-17,9%)…
Ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng khoảng 30 năm vừa qua. Tăng trưởng ngành bán lẻ giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số di chuyển trong nước giảm còn 16% còn chỉ số di chuyển đến Việt Nam (theo Google) giảm còn 50% so với thời điểm trước dịch.
Trong khi nợ công vẫn rất thấp so với trần nợ công là 56%, thặng dư ngân sách trong 8 tháng đầu năm chúng ta là 3,6 triệu USD cho thấy các chính sách hỗ trợ hiện nay là chưa đủ. Ông Tuấn kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có những gói hỗ trợ quyết liệt hơn cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Một số điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế
Mặt tích cực của nền kinh tế vĩ mô là lạm phát. Mặc dù chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá dầu tăng mạnh, lạm phát 8 tháng đầu năm chỉ ở mức 2,8%. Trong đó đà tăng của giá dầu đóng góp tới 1,4% và lương thực thực phẩm chiếm 1,2%. Như vậy lạm phát lõi chỉ là 0,9% và không phải vấn đề cần lo lắng hiện nay.
Chỉ số CDS (Credit Default Swap) kỳ hạn 5 năm phản ánh rủi ro quốc gia của Việt Nam đang ở mức tốt cho thấy hệ số tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nước ta và một yếu tố cần thiết để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định.
Mặc những lo ngại về dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam, số liệu cho thấy tăng trưởng FDI trong 8 tháng đầu năm vẫn khá tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 19% so với năm ngoái và cao hơn rất nhiều nước trong khu vực bất chấp 2 tháng đóng cửa kinh tế. Mặc dù cán cân vãng lai tạm thời bị thâm hụt, dự trữ ngoại hối vẫn ở mức cao kỷ lục giúp đồng nội tệ vẫn ở mức ổn định và không bị mất giá so với ngoại tệ.
Theo ước tính của Dragon Capital, tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ đạt từ 2% đến 2,4%. Tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt ở mức 3,1% trong năm 2021 và 3,5% năm 2022, dẫn đến môi trường lãi suất vẫn tốt và tiền nội tệ có thể tăng giá so vói USD. Dự phóng đến năm 2022, tăng trưởng GDP có thể đạt 9,6%.
5 động lực tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn vẫn được duy trì ổn định
Theo ông Tuấn, điều quan trọng nhất là những động lực tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế trong vòng 5 - 10 năm tới vẫn sẽ được duy trì.
Trước tiên là môi trường kinh tế ổn định đã được nước ta duy trì kể từ năm 2013 - 2014 đến nay, thể hiện qua tỷ lệ lạm phát và lãi suất thị trường ổn định.
Thứ hai là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam bất chấp COVID-19 vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Động lực thứ ba nhưng vô cùng quan trọng là tăng trưởng tầng lớp trung lưu. Đây là yếu tố sẽ tạo ra sức cầu cực, sức mua kỳ lớn cho các ngành hàng trong tương lai.
Về phía các động lực mới, yếu tố có tác động mạnh mẽ là đầu tư công. Chúng ta đang có mặt bằng cơ sở hạ tầng và đầu tư công cực kỳ thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, Quốc hội và Chính phủ đang quyết tâm tập trung đẩy mạnh và phát triển cho đầu tư công.
Cuối cùng là môi trường lãi suất thấp đang được duy trì ổn định.
Bất chấp COVID xảy ra, năm động lực trên vẫn được duy trì ổn định và chưa thay đổi. Do đó, Phó Giám đốc đầu tư Dragon Capital tin tưởng động lực phát triển kinh tế của Việt nam trong 5 - 10 năm tới vẫn sẽ được duy trì.
Điểm qua về thị trường chứng khoán, ông Tuấn cho rằng đó là một bức tranh trái chiều hoàn toàn so với bức tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dragon Capital ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán năm 2021 sẽ đạt khoảng 38%. Năm 2022, con số này được dự kiến vào khoảng 28 - 30%.
Tổng quan các động lực tăng trưởng kinh tế. (Nguồn: Dragon Capital).