Khối ngoại còn bao nhiêu HPG sau khi xả hơn 15.400 tỷ đồng kể từ đầu năm?
Từ đầu năm đến hết phiên 14/10, các nhà đầu tư nước ngoài đã giao dịch tổng cộng 698.300 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm HOSE, HNX và UPCoM), tương đương 7,4% thanh khoản toàn thị trường.
Trong đó, giá trị bán ròng là gần 45.500 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
HPG của Tập đoàn Hòa Phát là mã bị khối ngoại xả nhiều nhất với 15.411 tỷ đồng. Tiếp đến là CTG của VietinBank với giá trị bán ròng hơn 7.100 tỷ. Hai nhà băng khác cũng góp mặt trong top 10 khối ngoại rút vốn là VPB của VPBank và BID của BIDV, tương ứng khoảng 5.900 tỷ và 1.400 tỷ.
Tháng 6 - sau khi Hòa Phát chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức - là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài xả cổ phiếu HPG mạnh nhất, giá trị bán ròng lên tới gần 5.000 tỷ. Con số của tháng 5 ngay trước đó cũng xấp xỉ 4.000 tỷ.
Theo thống kê của Chứng khoán SSI, hiện nay khối ngoại còn nắm giữ khoảng 1,13 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 25,3% vốn điều lệ Tập đoàn Hòa Phát. Tính theo thị giá hiện nay, khối cổ phiếu này có giá trị khoảng 65.200 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư trong nước đã hấp thụ tốt lực bán của khối ngoại, bằng chứng là giá HPG vẫn nhiều lần lên đỉnh lịch sử trong năm nay. Sau giai đoạn điều chỉnh trong tháng 6 và 7, HPG đã hồi phục trong tháng 9 và lấy lại kỷ lục trong tháng 10.
Sáng nay 15/10, giá HPG có lúc chạm 57.700 đồng/cp, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Nhiều cổ phiếu thép khác cũng giao dịch trong sắc xanh như NKG của Nam Kim tăng 3,5%, HSG của Hoa Sen thêm 2%, VGS của Việt Đức dư mua giá trần, TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam vọt lên 8,5%.
Tiềm năng cổ phiếu thép cuối năm
Quý IV thường là giai đoạn nhu cầu thép lên cao do các công trình đẩy nhanh tiến độ cho kịp hoàn thành trước khi hết năm. Riêng năm nay, tiêu thụ thép trong quý IV còn cải thiện do các địa phương bắt đầu nới giãn cách và áp dụng phương án "thích ứng an toàn với COVID-19" sau khi phong tỏa nghiêm ngặt trong quý III.
Giá thép thời gian gần đây đã có dấu hiệu đi lên. Ngày 6/10 vừa qua, Hòa Phát nâng giá bán thép cây và thép cuộn thêm 200.000 đồng/tấn. Ngày 14/10, Hòa Phát nâng giá bán các loại dây thép thêm khoảng 550.000 - 770.000 đồng/tấn.
Trong báo cáo phân tích về ngành thép mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết nhiều dự án bất động sản đã bị hoãn lại trong 9 tháng đầu năm do ảnh hưởng của giãn cách xã hội cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng. VCBS kỳ vọng từ quý IV này, các dự án sẽ nhanh chóng được triển khai trở lại.
Trung Quốc đang siết chặt sản lượng thép do lo ngại về môi trường và chủ trương hạn chế tiêu thụ năng lượng. Nguồn cung thép trên thế giới giảm rõ rệt vì Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất toàn cầu.
Trong khi đó, nhu cầu thép trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng nhờ các gói đầu tư công liên tục giải ngân nhằm kích thích kinh tế sau COVID-19. Do vậy, VCBS dự đoán giá thép sẽ duy trì ở mức cao hiện nay cho đến năm 2022.
Ngoài ra, các nhà sản xuất thép lớn của Việt Nam như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sử dụng công nghệ lò cao (BOF) có giá thành thấp hơn nhiều so với lò điện (EAF) nên có lợi thế đáng kể khi xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu.
VCBS ước tính Hòa Phát có thể đạt lợi nhuận 33.642 tỷ đồng trong năm 2021, cao gấp 2,5 lần so với năm 2020; doanh thu khoảng 158.400 tỷ đồng, tăng trưởng 76%.
Nam Kim (Mã: NKG) được kỳ vọng lãi kỷ lục 3.092 tỷ đồng, gấp 10,5 lần năm ngoái. Doanh thu dự kiến khoảng 26.859 tỷ, cao gấp 2,32 lần.