|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 13/10: Khối ngoại gia tăng bán ròng tại HOSE, chưa ngừng chốt lời cổ phiếu HPG

16:09 | 13/10/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index tạm ngắt mạch tăng 7 phiên liên tiếp, khối ngoại gia tăng quy mô bán ròng hơn 520 tỷ đông tại HOSE. Nhóm này vẫn kéo dài xu hướng chốt lời cổ phiếu HPG kể từ đầu tháng 10, nối tiếp quay đầu bán ròng nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Xung lực tăng vẫn được duy trì trong phiên sáng với sự hỗ trợ của nhóm vốn hóa lớn. Tuy vậy càng về cuối phiên, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index không thể trụ vững trên mốc tham chiếu. Như vậy hoạt động chốt lời trên thị trường đã tạm ngắt mạch tăng 7 phiên liên tiếp của chỉ số.

Kết phiên, VN-Index giảm 2,89 điểm (0,21%) còn 1.391,91 điểm, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (0,03%) còn 98,78 điểm. Có phần tích cực hơn, HNX-Index tăng 3,66 điểm (0,97%) lên 379,34 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục suy giảm so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch phiên hôm nay đạt trên 23.100 tỷ đồng, tương đương gần 840 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt 18.788 tỷ đồng, giảm 15% so với phiên hôm qua.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 994,5 tỷ đồng nhưng bán ra 1.515 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng áp lực bán ròng lên 520,48 tỷ đồng tại HOSE, tương đương khối lượng 8,8 triệu đơn vị.

Phiên 13/10: Khối ngoại gia tăng bán ròng, chưa ngừng chốt lời cổ phiếu HPG - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều bán, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất từ khối ngoại vẫn là HPG với 149 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất bị xả ròng trên 100 tỷ đồng. Mặc dù có thời điểm tăng lên mức 57.400 đồng/cp trong phiên sáng, lực bán chiếm ưu thế trong phiên chiều khiến HPG dần hạ nhiệt và đóng cửa giảm nhẹ 0,35%.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng gia tăng lực bán ròng tại các mã SSI (69,8 tỷ đồng), VNM (66,2 tỷ đồng), PAN (60,3 tỷ đồng), VHM (59,1 tỷ đồng),...Sự giảm nhiệt ở các cổ phiếu ngân hàng khiến nhóm này cũng góp mặt trong danh mục bán ròng của khối ngoại với một số đại diện như CTG (37,9 tỷ đồng), VCB (37,5 tỷ đồng), STB (36,5 tỷ đồng)...

Phiên 13/10: Khối ngoại gia tăng bán ròng, chưa ngừng chốt lời cổ phiếu HPG - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua vào, cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An vươn lên trở thành mã được mua gom nhiều nhất với 84,2 tỷ đồng, gấp khoảng 4 lần so với phiên giao dịch liền trước.

Kế tiếp, mặc dù bán ròng VHM nhưng khối ngoại tiếp tục giải ngân mua ròng 44,4 tỷ đồng cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail. Tuy vậy, quy mô mua gom đã giảm gần 50% so với trong phiên 12/10.

Cùng chiều, danh mục mua ròng chủ yếu còn xuất hiện các mã HDG (31 tỷ đồng), MBB (25,3 tỷ đồng), LPB (23,3 tỷ đồng),...Về phía giao dịch chứng chỉ quỹ, hai chứng chỉ ETF nội FUESSVFL và FUEVFVND lần lượt được mua ròng với giá trị 21,3 tỷ đồng và 11 tỷ đồng sau khi bị xả ròng trong một vài phiên trước đó.

Trên sàn HNX, giao dịch khối ngoại có phần tích cực hơn khi nhóm này đảo chiều mua ròng gần 9,5 tỷ đồng, tương đương khối lượng 188.034 đơn vị.

Ở chiều mua, cổ phiếu PVI của Bảo hiểm Dầu khí PVI có phiên thứ hai liên tiếp dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tập trung mua gom hai cổ phiếu BCC (6,9 tỷ đồng), VCS (2,2 tỷ đồng). Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có THD, NBC, TMB, PVG...

Ngược lại, cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội tiếp tục bị bán ròng 9,3 tỷ đồng trong nhịp điều chỉnh của nhóm dịch vụ tài chính. Khối ngoại cũng bán ròng 2,6 tỷ đồng mã PVS, theo sau là một số cổ phiếu như VNR (2 tỷ đồng) và PMC (1 tỷ đồng).

Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng gần 4 tỷ đồng ngay sau phiên mua gom nhẹ trước đó. Tuy vậy, nhóm này lại mua ròng về khối lượng với 52.477 đơn vị.

Tại chiều bán, lực xả tại QNS của Đường Quảng Ngãi có phần hạ nhiệt khi mã này chỉ còn bị bán ròng 1,9 tỷ đồng. Diễn biến cùng chiều, một số mã bị bán ròng lần lượt gồm LTG (1,7 tỷ đồng), BSR (731 triệu đồng), WSB (379 triệu đồng)....

Trái chiều, ABI của Bảo hiểm Agribank dẫn đầu danh mục mua ròng với 3,3 tỷ đồng. Khối ngoại theo sau cũng giải ngân mua ròng một số mã như ACV (2,8 tỷ đồng), VEA (2,6 tỷ đồng), NTC (2 triệu đồng)...

Thảo Bùi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.