|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khi nào khối ngoại giải ngân trở lại?

07:00 | 13/10/2021
Chia sẻ
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu KHCN MBS, thị trường có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại thị trường từ nửa cuối năm 2022 sau khi Việt Nam tái mở cửa kinh tế và kịch bản nâng hạng thị trường khả quan có thể diễn ra trong giai đoạn 2023 - 2025.

Với xu hướng chính là lình xình trong tháng 9, VN-Index tăng 10,59 điểm tương đương 0,8%, đóng cửa tháng ở mức 1.342,06 điểm. Thanh khoản bình quân tại HOSE giảm 17,4% so với tháng trước đó nhưng vẫn lớn hơn mức trung bình của 8 tháng đầu năm.

Điểm kém tích cực đến từ xu hướng của dòng vốn ngoại. Nối tiếp tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng 8.999 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán qua khớp lệnh đạt 8.378 tỷ đồng với 18/20 phiên bán ròng xuyên suốt. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng trong 7/9 tháng kể từ đầu năm và lũy kế rút ròng kỷ lục 41.004 tỷ đồng trên kể từ đầu năm.

Khi nào vốn ngoại trở lại Việt Nam - Ảnh 1.

Mua bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong 12 tháng gần nhất. (Nguồn: Fiingroup).

Trong số 10 cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất, bộ đôi cổ phiếu VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes dẫn đầu với giá trị lần lượt 2.498 tỷ đồng và 1.962 tỷ đồng. Giao dịch kém tích cực tại VHM đến từ động thái thoái vốn của nhóm cổ đông lớn KKR.

Tương tự, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh HPG của Tập đoàn Hòa Phát với quy mô 973 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, HPG là cố phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.

Nối tiếp, khối ngoại cũng bán ròng hai chứng chỉ ETF nội là FUEVFVND (826 tỷ đồng) và F1VFVN30 (281 tỷ đồng), đồng thời rút ròng khỏi loạt cổ phiếu bluechips gồm SSI, MSN, NVL...

Mặc dù ghi nhận diễn biến tương đối ảm đạm trong tháng 9 nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại được các nhà đầu tư ngoại mua ròng với một số đại diện như MBB, CTG, VCB...

Khi nào vốn ngoại trở lại Việt Nam - Ảnh 2.

Top10 mã khối ngoại mua/bán ròng nhiều nhất trong tháng 9. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Vốn ngoại kỳ vọng sẽ trở lại Việt Nam từ nửa cuối năm 2022, động lực chính cho thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân

Câu chuyện khối ngoại liên tục rút ròng khỏi thị trường Việt Nam không còn mới song vẫn được nhà đầu tư quan tâm. Câu hỏi đặt ra là khi nào dòng vốn ngoại trở lại thị trường. Trong chương trình MBS Talk "Cơ hội thị trường giai đoạn bình thường mới", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu KHCN MBS đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Theo ông Sơn, tuy 2021 ghi nhận giá trị rút ròng của mạnh nhất của nhà đầu tư ngoại trên sàn chứng khoán, áp lực bán này nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng thị trường chung trong thời gian vừa qua.

Khối ngoại vẫn rút ròng mạnh trong tháng 9, khi nào vốn ngoại trở lại Việt Nam? - Ảnh 3.

Giao dịch khối ngoại giai đoạn 2013 -2021. (Nguồn: MBS).

Trước đó trong giai đoạn 2016 - 2019, nhiều quỹ ngoại đã rót tiền vào thị trường Việt Nam với kỳ vọng nước ta sẽ sớm được nâng hạng thị trường trong năm 2020 - 2021. 

Tuy nhiên, quá trình này đang bị kéo dài do gặp phải sự ảnh hưởng của COVID-19 kể từ đầu năm 2020, dẫn đến sự tái phân bổ vốn tại khu vực châu Á nói chung và khu vực thị trường đang phát triển nói riêng. Đây là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp trong 2 năm gần đây.

Thời điểm dịch COVID-19 hoành hành tại Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, những quốc gia này đều bị nhà đầu tư nước ngoài rút vốn chứ không chỉ riêng Việt Nam. Có thể thấy, xu hướng rút vốn của khối ngoại nhìn chung đã tăng lên so với giai đoạn trước và con số rút vốn lũy kế từ đầu năm đã lên tới hơn 1,6 tỷ USD.

Ngược lại, xu hướng vào ròng lại diễn ra ở các quỹ ETF. Kể từ đầu năm đến tháng 7, các quỹ ETF rót vốn vào Việt Nam hơn 300 triệu USD, tập trung ở một số quỹ như Fubon FTSE, VN Diamond ETF. 

Đây là tín hiệu rất tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam bởi dù một số quỹ đầu cơ dựa trên tiến trình nâng hạng thị trường đang rút bớt vốn khi thị trường gặp những ảnh hưởng do COVID, các quỹ ETF chủ động lại tiếp tục xu hướng vào ròng.

Thông tin thêm, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 6 - 7% tổng thanh khoản toàn thị trường so với tỷ lệ 16 - 17% giai đoạn trước đó, còn tỷ trọng đóng góp của nhà đầu tư cá nhân đã tăng từ khoảng 60% lên đến hơn 84%. 

Các cá nhân trong nước là một trong những nhóm đóng góp lớn trong việc "cân" lại áp lực bán mạnh từ khối ngoại. Điều này cho thấy xu hướng thị trường hiện nay đang được quyết định bởi nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu.

Theo ông Sơn, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại thị trường chứng khoán sau khi Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh thành công và tái mở cửa nền kinh tế. Vị chuyên gia tỏ ra tương đối lạc quan về câu chuyên nâng hạng thị trường có thể diễn ra từ năm 2023 đến năm 2025. Vì vậy, thị có thể kỳ vọng vào sự trở lại của dòng vốn nước ngoài trên thị trường chứng khoán từ giữa năm 2022 trở đi.

Khối ngoại vẫn rút ròng mạnh trong tháng 9, khi nào vốn ngoại trở lại Việt Nam? - Ảnh 4.

Kịch bản nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. (Nguồn: MBS).

Bàn về xu hướng cũng như sự tăng trưởng của thị trường, ông Sơn cho rằng yếu tố quyết định không đến từ vốn ngoại mà đến chính từ những nhà đầu tư cá nhân, những dòng tiền nội. Số lượng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản tăng lên rất mạnh mẽ khi thị trường đã ghi nhận số tài khoản cá nhân mở mới vượt 100.000 tài khoản trong 7 tháng liên tiếp

Trong khi đó, tỷ lệ tài khoản chứng khoán trên tổng dân số nước ta vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong cùng khu vực. Việt Nam đang ở bước đầu của giai đoạn phát triển mới của thị trường, do đó dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn sẽ là nhóm quyết định xu hướng của thị trường năm nay và cả những giai đoạn tiếp theo.

Thảo Bùi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.