|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau 4 tháng, HPG quay lại đỉnh cũ thiết lập vào ngày chốt quyền cổ tức

17:43 | 04/10/2021
Chia sẻ
Sau khi chờ đợi qua 88 phiên giao dịch, cổ đông Tập đoàn Hòa Phát đã một lần nữa nhìn thấy cổ phiếu HPG đóng cửa ở đỉnh lịch sử 55.500 đồng/cp.
Sau 4 tháng, HPG quay lại đỉnh cũ thiết lập trong ngày chốt quyền cổ tức - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông Tập đoàn Hòa Phát tổ chức ngày 22/4/2021. (Ảnh: Song Ngọc).

Phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu ngành thép đồng loạt khởi sắc với NKG của Nam Kim tăng 6,7%, VGS của Ống thép Việt Đức vọt lên 7,1%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen thêm 4,1%.

HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng 3,9%, mạnh nhất trong rổ bluechip VN30. Do vốn hóa thuộc top đầu thị trường nên HPG cũng hỗ trợ tích cực cho đà đi lên của chỉ số. 

VN-Index kết phiên hôm nay tăng 4,65 điểm thì riêng HPG góp 2,53 điểm, bỏ xa các cổ phiếu đứng sau như GVR (1,08 điểm) hay VHM (0,9 điểm).

Sau 4 tháng, HPG quay lại đỉnh cũ thiết lập trong ngày chốt quyền cổ tức - Ảnh 2.

Cổ phiếu thép, dầu khí, hàng không nâng đỡ chỉ số, 9 mã kéo tụt VN-Index nhiều nhất đều thuộc nhóm ngân hàng.

Kết phiên, HPG dừng ở giá 55.500 đồng/cp. Đây cũng chính là mức giá kỷ lục mà HPG đạt được cuối phiên 1/6 khi Tập đoàn Hòa Phát chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2020, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu.

Chắc nhiều nhà đầu tư còn nhớ giai đoạn đó khi HPG tăng kịch trần với thanh khoản đột biến trong ngày giao dịch không hưởng quyền 31/5. 

Bước sang phiên 1/6, HPG tiếp tục dư mua giá trần trong buổi sáng rồi dần hạ nhiệt, đóng cửa với mức tăng 5,3%.

Những ngày tiếp theo, cổ phiếu Hòa Phát đi xuống và chạm đáy 44.300 đồng/cp hôm 19/7. Trong tháng 8 và 9, cổ phiếu đầu ngành thép này nỗ lực hồi phục và đến hôm nay 4/10, HPG một lần nữa kết phiên ở đỉnh lịch sử 55.500 đồng/cp.

Hầu hết nhà đầu tư mua cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát trong 88 phiên giao dịch vừa qua đều đã hòa vốn hoặc ít nhiều có lãi, ngoại trừ một số người tất tay tại giá tím 56.300 đồng/cp trong ngày 1/6.

Sau 4 tháng, HPG quay lại đỉnh cũ thiết lập trong ngày chốt quyền cổ tức - Ảnh 4.

Thống kê theo giá đóng cửa.

Vốn hóa HPG hiện nay đạt trên 248.200 tỷ đồng, đứng thứ 4 thị trường chứng khoán Việt Nam sau Vietcombank (Mã: VCB), Vinhomes (Mã: VHM), Vingroup (Mã: VIC) và trên PV Gas (Mã: GAS), Vinamilk (Mã: VNM), ...

Kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của Hòa Phát

Tháng 9 vừa qua, Hòa Phát xuất khẩu kỷ lục gần 48.000 tấn tôn mạ, cao gần gấp đôi tháng 8. Tổng sản lượng bán hàng đạt trên 55.000 tấn. Hòa Phát cho biết tất cả dây chuyền tôn mạ đều đang hoạt động hết công suất 400.000 tấn/năm.

Trước đó trong báo cáo phân tích hồi cuối tháng 9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nhận định Hòa Phát có thể hưởng lợi trong mảng thép phẳng (gồm thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ) trong những tháng cuối năm nay cũng như sang cả năm 2022. 

Các nguyên nhân bao gồm: Hòa Phát có chi phí sản xuất HRC cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp nước ngoài, tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất tôn mạ; nhu cầu HRC và tôn ở nước ngoài tăng mạnh trong giai đoạn hồi phục kinh tế; chính sách thương mại thuận lợi của châu Âu; và Trung Quốc quyết tâm cắt giảm sản lượng thép.

Trong 9 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu chiếm tới 64% sản lượng tôn mạ Hòa Phát bán ra. Với các doanh nghiệp chuyên tôn mạ như Hoa Sen (Mã: HSG) và Nam Kim (Mã: NKG), tỷ lệ còn lên tới trên 80%.

VDSC dự báo Hòa Phát có thể đạt doanh thu 34.784 tỷ đồng và lãi ròng 8.248 tỷ đồng trong quý III, tăng lần lượt 41% và 119% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2021, Hòa Phát được kỳ vọng ghi nhận 143.091 tỷ đồng doanh thu và 34.646 tỷ lãi ròng, tăng tương ứng 59% và 158%.

Chứng khoán HSC dự báo Hòa Phát sẽ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2021 lần lượt là 152.000 tỷ đồng (tăng trưởng 68,2%) và 33.900 tỷ đồng (tăng 152,2%). 

Đức Quyền - Song Ngọc