|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa ước tính cần 5 - 7 tỷ USD để kích thích kinh tế, đề xuất dùng một phần dự trữ ngoại hối

18:29 | 11/10/2021
Chia sẻ
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết Chính phủ hành động rất chậm trong việc giúp doanh nghiệp phục hồi. Theo đó, chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ 107 tỷ USD cũng có thể tạo ra nguồn lực rất lớn.
TS Lê Xuân Nghĩa: "Hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta đang nói nhiều hơn làm" - Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải.

Gói hỗ trợ hiện tại còn quá nhỏ và nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó COVID-19” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức, chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá những gói hỗ trợ hiện nay của Chính phủ tới các doanh nghiệp, người dân còn quy mô quá nhỏ.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra ý tưởng xây dựng gói giảm lãi suất 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, tương đương quy mô 100.000 tỷ đồng dư nợ với lãi suất ưu đãi 3 - 4%/năm. Tuy nhiên, đối tượng nhận được lại chỉ là nhóm doanh nghiệp đang hoạt động được và có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng do không có doanh thu, nợ xấu hiện hữu và không có tài sản đảm bảo. Do đó, việc giảm lãi suất là không có ý nghĩa gì.

Chuyên gia cho rằng cũng nên nhìn nhận sâu vào vấn đề nợ xấu, đó là bệnh nền của nền kinh tế Việt Nam. Nợ xấu luôn thường trực và lúc nào cũng có khối lượng lớn hơn rất nhiều những con số hạch toán ngay cả khi không có COVID-19, do đó khi dịch bệnh bùng phát, nợ xấu trở thành vấn đề lớn. 

Ông Nghĩa bày tỏ sự lo ngại về việc ngừng các chính sách khoanh nợ, giãn nợ và bắt đầu hạch toán con số từ đầu sau dịch sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho hệ thống ngân hàng.

Theo ông, không chỉ nên dựa vào việc tài trợ qua ngân hàng, các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động.

Chẳng hạn, Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng 5.800 tỷ USD trên mức GDP của Mỹ khoảng 20.000 tỷ USD,  tức khoảng 27% GDP. Còn châu Âu thì dùng gói 6.000 tỷ USD trên 15.000 tỷ GDP.

Nhật Bản còn hỗ trợ mạnh hơn khi tài trợ thẳng 3.400 tỷ USD trên 5.000 tỷ USD GDP, chiếm trên 60% GDP. Mục tiêu số 1 của họ là doanh nghiệp phải giữ lại lao động bằng mọi giá, làm việc luân chuyển hay thậm chí nghỉ việc vẫn được hưởng lương.

Đồng thời cho những doanh nghiệp lớn vay để phục hồi. Với doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ lập quỹ bảo lãnh vô điều kiện để cho vay.

Chuyên gia đặt ra giả thiết Việt Nam cũng rót vào nền kinh tế khoảng 27% GDP là khoảng 100 tỷ USD. Với khối lượng tiền khổng lồ như vậy, doanh nghiệp và người lao động sẽ phục hồi rất nhanh.

"Muốn phục hồi nhanh thì phải có sức bật, nền kinh tế phải được tiếp sức ngay trong thời gian dịch bệnh... Giả sử nền kinh tế mở cửa nhưng không có nguồn vốn, không có lao động làm nền tảng thì rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông nói.

Với một khối lượng tiền khổng lồ như vậy, tất nhiên nguy cơ lạm phát là rất lớn. Nhưng theo ông Nghĩa, Việt Nam mới chỉ chi ra khoảng 30.000 tỷ đồng, khoảng 0,38% GDP. Như vậy rất khó để tạo đủ động lực để phục hồi.

Có thể sử dụng một phần dự trữ ngoại hối để kích thích kinh tế

Nhìn từ các nước, ông Nghĩa cho biết trong điều kiện khẩn cấp, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng trung ương (NHTW) để lấy tiền hỗ trợ nền kinh tế. Khi xuất hiện nguy cơ lạm phát, NHTW sẽ bán trái phiếu ra để thu tiền về.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết Chính phủ các nước cũng không có nhiều tiền, thậm chí không có tiền để đầu tư công, tiền của họ chỉ đủ chi tiêu thường xuyên và trả nợ. 

Chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần kiến nghị Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu bán cho NHTW. Ước tính chỉ với khoảng 5 -7 tỷ USD là có thể vực dậy rất nhanh toàn bộ lực lượng lao động hiện nay.

Gói tài trợ cần đưa thẳng vào doanh nghiệp để chi cho công nhân. Chuyên gia cho rằng phải tin tưởng doanh nghiệp và lấy họ là nền tảng để phục hồi, ngay cả phục hồi lao động cũng phải từ doanh nghiệp.

Chuyên gia cũng cho biết có một lượng tiền dự trữ ngoại tệ do NHTW quản lý, khoảng 107 tỷ USD, từ trước đến nay chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. 

Chống dịch như chống giặc. Giờ giặc đến nhà “vào tận gầm giường rồi” mà không bỏ ra. Chúng ta chưa có chính sách đặc biệt. Có tiền nhưng không bỏ ra.

TS Lê Xuân Nghĩa

Theo ông Nghĩa, Việt Nam không cần phát hành trái phiếu chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ cũng có thể cung cấp nguồn lực rất lớn. 

Từ bài học của thế giới và những kinh nghiệm năm 2009, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.

"Chính phủ hành động vô cùng chậm chạp trong việc cứu lực lượng lao động và bảo vệ nền tảng phục hồi cho doanh nghiệp, "nói nhiều hơn làm", " ông Nghĩa bày tỏ.

Phương Nga