|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Quốc hội: Sắp có gói hỗ trợ lớn để tái thiết nền kinh tế

08:06 | 08/10/2021
Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay trong tuần này sẽ làm việc với các ban bộ ngành để rà soát, xem xét cụ thể việc sử dụng các công cụ chính sách này.
Chủ tịch Quốc hội: Sẽ tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ để xây dựng gói hỗ trợ lớn hơn - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội).

Tại buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân hôm 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, hồi phục kinh tế.

"Chúng ta sẽ tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ để có gói hỗ trợ lớn hơn, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tái thiết kinh tế", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Ngay trong tuần tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để rà soát, xem xét cụ thể việc sử dụng các công cụ chính sách này.

Trao đổi với đề xuất của Chủ tịch VCCI về việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước. 

Trần nợ công chỉ là một phần. Phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Thống nhất phải có gói chính sách này trên tinh thần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng đề xuất xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 3 - 5% một năm so với lãi suất thị trường. Gói hỗ trợ bù lãi suất này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nè bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải giáo dục...

Ngoài ra, các doanh nhân cũng nêu một số kiến nghị khác như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức 50%, thay vì 30% như hiện nay; giảm nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 50% trong năm 2021, 2022; giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong 2021 - 2022...

Đồng thời, các doanh nhân cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn.

Trước mắt, cần sớm ban hành các chính sách, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, phù hợp với thực tế, điều kiện, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, các dịch vụ số; luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Lê Huy