Chủ tịch Quốc hội: Những vấn đề chưa rõ khi sửa Luật Đất đai có thể thí điểm
Chiều 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam có diện tích tự nhiên đứng thứ 59 trên thế giới nhưng do dân số đông nên diện tích bình quân đầu người rất thấp, chỉ bằng 1/5 mức bình quân đầu người của thế giới. Chính vì vậy, đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia.
Đánh giá chung hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đã khá đồng bộ, tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời,...
Song, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quản lý nhà nước về đất đai còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng suy thoái đất đai diễn ra dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Đất đai có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất khó, rất chuyên sâu. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19 cũng đã cho thấy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật chuyên ngành với Luật Đất đai, một số nội dung đã lạc hậu, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện,...
Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế, có tính khả thi cao, bảo đảm tạo hành lang pháp lý ổn định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nhóm vấn đề cần sửa đổi.Tinh thần là tập trung sửa những vấn đề đã rõ, đã chín muồi, những vấn đề chưa đủ rõ thì có thể thí điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với kế hoạch triển khai các công việc tiếp theo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm giai đoạn 2021 - 2026, Chủ tịch Quốc hội thống nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thêm phiên họp chuyên đề trong khoảng thời gian giữa phiên họp tháng 9 và phiên họp tháng 10 để bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội cho ý kiến về dự án này.