|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét vào năm 2022

21:31 | 27/07/2021
Chia sẻ
Thực tiễn qua hơn 7 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét vào năm 2022 - Ảnh 1.

Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét vào năm 2022. (Ảnh: Hạ Vũ).

Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 được Quốc hội thông qua vào chiều 27/7.

Theo đó, Nghị quyết quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp). 

Điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo quyết nghị của Nghị quyết, Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật là: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. 

Đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án luật là: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).

Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tờ trình nêu rõ, thực tiễn qua hơn 7 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Cũng liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 889 về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cùng với các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới liên quan đến 16 Luật, 12 Nghị định,...

Trong đó, đối với Luật Đất đai 2013, Thủ tướng giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì soạn thảo một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Cụ thể, sửa đổi thống nhất về các khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, “cổ phần, phần vốn góp chi phối” giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

Thực hiện tổng kết những khó khăn, vướng mắc đối với việc chưa quy định cách thức xác định cụ thể từng thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất. Từ đó có phương án đề xuất thích hợp sửa đổi các văn bản quy phạm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Sửa đổi các văn bản quy phạm để giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với việc không quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất. Quy định rõ về việc khẳng định các loại hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất khác với các hợp đồng được ghi nhận tại Luật Đất đai.

Sửa đổi khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 theo hướng làm rõ các thời điểm liên quan đến hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất tương ứng với từng loại hợp đồng và phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, quy định thống nhất về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Luật Đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Hà Lê