|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cảnh báo khả năng thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán

18:47 | 03/12/2021
Chia sẻ
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng nếu áp lực lạm phát xuất hiện, NHNN có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán. Tuy nhiên, áp lực này trước mắt chưa lớn, có thể vẫn còn tốt cho đến tháng 4 năm sau.

Thách thức với kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam

Tại tọa đàm "Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho năm 2022" do VNDirect tổ chức, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết chúng ta vẫn đang sống trong thời kỳ COVID-19, thách thức với kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn rất lớn.

Chuyên gia phân tích về ba thách thức lớn. Thứ nhất, đà phục hồi có thể bị ảnh hưởng vì đợt dịch mới bùng phát vào mùa đông. Theo dự báo cứ mùa đông đến là số ca nhiễm toàn cầu lại gia tăng, dẫn đến các nước cũng phải giãn cách trở lại, hoạt động kinh tế vì thế cũng yếu đi.

Thứ hai, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng không được giải quyết nhanh. Có thể sang giữa năm 2022 khi kiểm soát được dịch, vấn đề này mới được giải quyết. 

"Sự phục hồi, chính sách giãn cách giữa các nền kinh tế không đồng đều. Nước này mở, nước kia đóng, nước này phục hồi sức mua nhưng nước sản xuất khác lại phải đóng cửa thì đứt gãy vẫn diễn ra", ông Thành phân tích.

Theo chuyên gia, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục dẫn đến thách thức thứ ba, có thể nói là lớn nhất đối với các nhà đầu tư đó là câu chuyện lạm phát.

Tất cả các nền kinh tế phát triển hiện nay, giá không những vượt mục tiêu lạm phát 2% mà mức lạm phát đều từ 5 - 6,5%. Nguy cơ này dẫn đến việc phải thắt chặt tiền tệ. Đó là thách thức rất lớn với kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia: 'Nếu phải chống lạm phát thì có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán' - Ảnh 1.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam. (Ảnh: Fulbright Việt Nam).

Đối với kinh tế trong nước, theo ông Thành, về phía sản xuất, chúng ta đã vượt qua một phần khó khăn. Cả nước ngưng giãn cách diện rộng và bắt đầu mở cửa, nhờ vậy sản xuất công nghiệp phục hồi khá tốt trong thời gian qua. 

Cũng có những quan ngại là nếu như phục hồi mạnh hơn nữa thì có dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động hay không. Nhưng hiện nay tình hình vẫn khá là suôn sẻ với khu vực công nghiệp.

Khu vực dịch vụ vẫn chịu nhiều thách thức khi sức mua yếu kém, các hoạt động dịch vụ vẫn gọi là trong vùng đỏ. Không chỉ những dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp từ COVID-19 như nhà hàng, khách sạn, du lịch vận tải hành khách, kể cả thương mại bị ảnh hưởng sức mua nhiều. 

Theo ông, tầng lớp trung lưu cấp trên vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, sức mua chủ yếu vẫn đến từ tầng lớp trung lưu cấp thấp, tuy nhiên số đó bị ảnh hưởng thu nhập nhiều nên dẫn đến sức mua yếu.

Thách thức lớn cuối cùng, theo ông Thành, giai đoạn vừa rồi, khối doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí để tuân thủ các quy định.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cảnh báo khả năng thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc hai tháng gần đây.

"Nếu phải chống lạm phát thì có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán"

Trước các vấn đề trên, ông Thành cho rằng rất cần một gói hỗ trợ kinh tế phục hồi lại sức mua, phục hồi lại tổng cầu trong nước.

Việt Nam có thuận lợi để tính đến triển vọng kinh tế là nền tảng ổn định vĩ mô quan trọng. "Chúng ta học được bài học của 12 năm trước nay, nên hiện có dư địa chính sách tốt hơn. So sánh giai đoạn 2011-2015 với giai đoạn 2016-2020, dư địa chính sách, cân đối vĩ mô ổn định hơn cả. Ngay cả trong năm nay, bị tác động nặng bởi COVID-19 nhưng nền tảng vĩ mô không bị xói mòn", chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

Chuyên gia: 'Nếu phải chống lạm phát, có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán' - Ảnh 2.

Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững. (Ảnh chụp màn hình).

Chuyên gia: 'Nếu phải chống lạm phát, có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán' - Ảnh 3.

Tín dụng vẫn tăng trưởng nhanh. (Ảnh chụp màn hình).

Ông cũng đề cập đến lo ngại về cán cân thanh toán quốc tế nhưng cuối cùng dòng vốn vẫn chảy vào. Đầu năm nhập khẩu tăng mạnh nên bị thâm hụt cán cân thương mại. Nhưng đến 11 tháng thì thặng dư trở lại. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn cao.

So với các nước có thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Philippines, Indonesia thì trong đợt dịch này, Việt Nam chưa phải dùng đến dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế và chống dịch. Do đó vẫn còn dư địa chính sách cho các gói kinh tế phục hồi sang năm mà không làm xói mòn ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhắc lại giai đoạn bất ổn 12 năm trước đây, tín dụng tăng mạnh kéo theo lạm phát. Và để chống lạm phát lại phải thắt chặt, giảm tăng trưởng tín dụng. Còn trong hai năm COVID-19, áp lực lạm phát chưa lớn và tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì.

NHNN đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 12%. Ông Thành cho rằng năm nay sẽ đạt mức cao hơn. 

"Từ khi có dịch COVID-19 đến nay, chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ khá nhiều nhưgiảm lãi suất, tạo thanh khoản nhưng không quá mức. Mục tiêu không phải là bơm mạnh tiền nhưng ít nhất là thanh khoản dồi dào, tăng trưởng tín dụng tốt. Chúng ta chấp nhận có khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp cận tín dụng.

Thanh khoản tốt thì tốt cho cả thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng chưa nóng đến mức tạo bong bóng", ông nói.

Ông Thành cũng đề cập đến kỳ vọng một định hướng chính sách cho năm tới, có một gói chính sách để phục hồi kinh tế. Nhưng yếu tố ưu tiên hàng đầu của gói này vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô có lớn cũng ở mức độ làm xói mòn các nền tảng vĩ mô, vẫn phải kiểm soát lạm phát dưới mức 4%. Nếu như vậy kích cầu và hô trợ phục hồi phải dựa nhiều hơn vào tài khóa thay vì tiền tệ.

Ông cho rằng chúng ta chưa lạm phát cao nhưng thế giới đang phải đối mặt, nên không thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Tiền tệ chỉ cần duy trì ở trạng thái đảm bảo thanh khoản tốt, ổn định mặt bằng lãi suất.

"Nếu áp lực lạm phát xuất hiện, NHNN buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nếu phải chống lạm phát thì có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán. Tuy nhiên, áp lực này trước mắt chưa lớn, có thể vẫn còn tốt cho đến tháng 4 năm sau", ông nói.

Chuyên gia này dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức khoảng 13-13,5%. NHNN sẽ linh hoạt đổi hướng chính sách nếu áp lực gia tăng. Nếu lạm phát được kiểm soát, NHNN sẽ chưa tăng lãi suất trở lại.

Đối với chính sách tài khóa, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2022 vẫn đang được dự toán ở mức 4% GDP.

"Tiền thực từ ngân sách để kích cầu sẽ không đáng kể. Kế hoạch có thể sẽ dùng cả nguồn lực ngoài ngân sách để có gói hỗ trợ tăng chi cho ngành y tế, tiếp tục một số chính sách miễn giảm thuế để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, kích đầu tư công", ông Thành nhận định.

Ông cũng cho rằng Hà Nội và TP HCM sắp tới sẽ hưởng lợi nhiều từ hai dự án lớn là Vành đai 4 - vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP HCM. Đồng thời, sắp tới, đầu tư công cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng được chú ý nhiều hơn. Điều này là hiển nhiên vì không thể bỏ qua một vùng kinh tế quan trọng của cả nước.

Dự báo hai kịch bản tăng trưởng 2022

Ông Thành cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2022 là trong tầm tay. Kịch bản cơ sở là không phải giãn cách mạnh trở lại, ổn định được vĩ mô, đứt gãy chuỗi cung ứng được xử lý vào giữa năm sau, khi đó giá toàn cầu giảm xuống, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 7%,

Về kịch bản xấu hơn, nếu COVID-19 phức tạp và giãn cách trở lại thì sẽ lại lăp lại câu chuyện của năm nay. Dù vậy ông Thành cho rằng mọi chuyện sẽ không xấu như năm nay. Khả năng cao doanh nghiệp không phải đóng cửa trở lại như vừa qua. Nếu lại xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài thì có thể phải thắt chặt tiền tệ vì lạm phát, điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính. Trong kịch bản xấu này thì tăng trưởng kinh tế là khoảng 5%.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lưu ý còn nhiều ẩn số. "Doanh nghiệp đã bị mất mát bao nhiêu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các ngân hàng vẫn đang ổn, nhưng nợ xấu rồi sẽ xuất hiện, và xuất hiện giữa sang năm khi mà việc cho phép cơ cấu nợ hết hạn và phải tiến hành phân loại nợ. Đây là ẩn số rất lớn".

Theo ông Thành, sẽ là thách thức lớn cho NHNN thời gian tới vì chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ, thường là 6 tháng. Cơ quan này sẽ phải tính trước áp lực lạm phát để có hành động ngay.

Ngoài ra, đánh giá tới bối cảnh của toàn cầu, chắc chắn sớm hay muộn thì phải thu hẹp chính sách tiền tệ, điều chỉnh lãi suất. Mặt bằng lãi suất là một sức ép, vì khi lãi suất thế giới tăng thì Việt Nam cũng phải tăng lên. Theo đó, lo ngại nhất với các nền kinh tế đang phát triển là dòng vốn nước ngoài có thể rút khỏi thị trường.

Anh Đào