|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Nếu lạm phát đi chệch mục tiêu, các NHTW không có lựa chọn nào khác ngoài tăng lãi suất

11:27 | 30/11/2021
Chia sẻ
Lạm phát đang gia tăng ở nhiều quốc gia do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu cải thiện sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và các gói kích thích kinh tế chưa từng có.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu cải thiện sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và các gói kích thích kinh tế chưa từng có đang khiến lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia từ các nền kinh tế phát triển đến các thị trường mới nổi.

Tại Mỹ, lạm phát đạt mức cao nhất trong 31 năm, tăng 6,2% so với cùng kỳ vào tháng 10 sau khi đã tăng 5,4% trong tháng 9. Tại EU, lạm phát hàng năm là 4,4% trong tháng 10, tăng so với mức 3,6% trong tháng 9. 

Còn ở Trung Quốc, lạm phát ghi nhận ở mức thấp hơn đáng kể nhưng đang trên đà tăng tốc, trong tháng 10 tăng 1,5% so với năm trước, cao gấp đôi mức của tháng trước. Đáng chú ý, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 26 năm vào tháng 10, tăng 13,5% so với cùng kỳ, điều này làm dấy lên lo ngại về sự chuyển dịch từ lạm phát giá sản xuất sang giá tiêu dùng. 

Tại ASEAN, ngoại trừ Philippines, lạm phát tương đối ổn định, tuy nhiên, giá hàng hóa tăng cao đã dấy lên mối quan ngại về rủi ro lạm phát trong ngắn hạn đối với khu vực.

Giai đoạn hậu COVID-19, VDSC cho rằng các gói kích thích mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có từ các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cũng dẫn đến sự thay đổi về mặt bằng giá. Trong khi đó, những nút thắt giữa cung và cầu vẫn chưa được giải quyết do sự bất định của quỹ đạo đại dịch COVID-19.

Vào năm 2022, nếu kỳ vọng lạm phát đi chệch mục tiêu của các ngân hàng trung ương, chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất.

Chứng khoán Rồng Việt

Tại Việt Nam, trong tháng 11/2021, chỉ số lạm phát chung tăng 2,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,8% so với cùng kỳ của tháng 10/2021. Ngoại trừ chỉ số giá giao thông, mức tăng của các hàng hóa còn lại trong rổ hàng hóa tính CPI vẫn tương đối thấp so với cùng kỳ. 

Lạm phát đo lường thông qua chỉ số giá sản xuất (PPI) trong quý 3/2021 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ trong khi chỉ số giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đã tăng 5,4%. Cũng trong quý III/2021, chỉ số giá hàng nhập khẩu tăng 9,5% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do mức tăng cao của nhóm nhiên liệu (+38,9% so với cùng kỳ).

Thực tế, các chuyên gia VDSC cho rằng yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam hiện tại gắn trực tiếp với sự gia tăng của giá hàng hóa, đặc biệt là giá xăng dầu. Tuy hiên, gần đây, biến chủng mới của COVID-19 đã gia tăng lo ngại về việc hạn chế lại hoạt động đi lại trên toàn cầu, có thể giúp kiềm hãm lại đà tăng của giá dầu thế giới. 

Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang phục hồi chậm, ngay cả khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã được gỡ bỏ. 

Song, nhóm phân tích nhận định nhu cầu tiêu dùng yếu đã hạn chế việc các nhà sản xuất chuyển phần chi phí đang tăng cao cho người tiêu dùng, giúp giữ lạm phát trong tầm kiểm soát trong các tháng cuối năm và thậm chí cả trong dịp Tết của năm 2022.

VDSC: Nếu kỳ vọng lạm phát đi chệch mục tiêu, các ngân hàng trung ương không có lựa chọn nào khác ngoài tăng lãi suất - Ảnh 2.

Trong năm sau, VDSC dự báo sự phục hồi kinh tế sẽ chịu nhiều áp lực đến từ sự phục hồi chậm của cầu tiêu dùng nội địa. 

Chính phủ hiện đã đồng thuận một gói hỗ trợ kinh tế là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, quy mô của gói hỗ trợ này vẫn đang được cân nhắc cẩn trọng, một trong những quan ngại chính là kỳ vọng lạm phát đang tăng. 

Cho dù rủi ro lạm phát nghiêng về xu hướng tăng trong năm 2022, VDSC kỳ vọng mức lạm phát chung vẫn thấp hơn mức mục tiêu 4% của Chính phủ. 

Lê Huy